Nhà thơ Thanh Tịnh phỏng vấn, quan triều đình... sợ khiếp vía

29/11/2020 16:17

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988) làm các nghề hướng dẫn viên du lịch, đo đạc, dạy học, viết văn, làm thơ, làm báo.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988) làm các nghề hướng dẫn viên du lịch, đo đạc, dạy học, viết văn, làm thơ, làm báo. Sau cách mạng, ông tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ và công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội cho đến lúc nghỉ hưu, rồi mất tại Hà Nội.

Nói đến nhà thơ Thanh Tịnh, ngoài làm thơ, viết văn ông còn viết tấu hài độc đáo, khá hấp dẫn. Ông còn làm nhiều bài ca dao để phục vụ sản xuất và chiến đấu. Một thời làm ở Hà Nội Báo, tòa soạn đề nghị Thanh Tịnh phỏng vấn Nguyễn Tiến Lãng (1909-1976) là con rể Phạm Quỳnh đang làm quan lúc đó ở cuối triều Nguyễn (Huế). Thanh Tịnh đến gặp. Ông Lãng ra vẻ quan dạng và rất ngại cánh nhà báo. Không những thế, ông ta còn mỉa mai giới báo chí, vì nhà báo thời ấy đả kích cái "nết hám danh" theo Tây của ông ta. Thanh Tịnh lịch sự nhưng xem ra cũng khá sắc sảo. Nguyễn Tiến Lãng từ chối, không cho phỏng vấn. Rồi lời qua tiếng lại, Lãng càng nói càng hắc. Thanh Tịnh vẫn bình tĩnh, điềm đạm cứ nghe hết, ghi hết. Cuối cùng Thanh Tịnh nhã nhặn nói: "Cám ơn ngài đã cho tôi một cuộc tiếp xúc thú vị để tôi có một bài trình bạn đọc".

Nguyễn Tiến Lãng chợt tái mặt, tỏ vẻ ngạc nhiên: "Ơ hay, ta nói là ta không trả lời phỏng vấn của ông kia mà".

Thanh Tịnh hóm hỉnh, điềm nhiên đáp: "Vâng, tôi chỉ cần thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe về chuyện ông không bằng lòng cho cuộc phỏng vấn hôm nay...".

Nguyễn Tiến Lãng thấy choáng, như trong người bị dội một gáo nước lạnh từ đầu xuống chân, đành chịu thua với nhà báo.

LÊ HỒNG DẠ THƯƠNG (st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Thanh Tịnh phỏng vấn, quan triều đình... sợ khiếp vía