Ở TP Tân An (Long An), nhiều người biết đến nhà thơ, nhà báo Ngọc Lộc bởi ba lý do: Anh viết báo nhiều, làm thơ hay và nấu phở ngon.
Làm gì cũng vậy, có thực mới vực được đạo, có an cư mới lạc nghiệp. Để có điều kiện cho chồng làm thơ, in thơ, ngày mới ở Hải Dương vào Long An, vợ Ngọc Lộc bàn với chồng mở quán bán cháo, cứ mỗi bát lãi được 1.000 đồng, tiền lãi bán cháo bỏ ống, tích góp mua đất làm nhà. Sau 10 năm bán cháo anh chị đã có căn nhà cấp 4, rồi chuyển sang bán phở, vợ nấu phở, chồng chạy bàn, bưng bê. Làm thơ, viết báo nghiệp dư sau anh lại mua thêm máy ảnh để vừa viết bài, săn tin, chụp ảnh. Chính từ đây Ngọc Lộc đã có lần viết: "Vẫn biết văn chương là quá rẻ/Nên tôi bán phở để nuôi thơ".
Người vợ chân quê lam lũ từ vùng chiêm trũng ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) vào Long An mở đất khai hoang cùng chồng, chị sống vì chồng, vì con: "Lo than giữ bếp lửa hồng/Phần mình quên chữ phần chồng, phần con".
Nhà thơ, nhà báo Ngọc Lộc sinh năm 1952, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Long An, quê xã Thống Kênh (Gia Lộc). Ngọc Lộc yêu thơ từ nhỏ, tất cả những hình ảnh và kỷ niệm tuổi thơ, làng quê đã được đưa vào thơ trong bài "Bữa cơm mùa gặt", rồi "Hoa muống tím", "Chiều quê", "Quê mẹ chiều ca dao"... Năm tới, anh dự định cho ra mắt hai tập thơ mới "Cánh đồng mùa lũ đi qua" và "Vầng trăng nửa lá". Anh làm báo nghiệp dư, nhưng lại xông xáo và là cộng tác viên của 20 tờ báo trong Nam và ngoài Bắc. Tuy gia cảnh của anh vẫn còn khó khăn nhưng anh không chỉ viết báo lấy mấy đồng nhuận bút còm, tích cóp để sắm sửa thứ này thứ nọ mà cốt để làm điều thiện, trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ người khác. Hằng tuần, từ TP Tân An, anh đi 50 km đến với vùng sâu vùng xa để viết bài. Một lần vào năm 2004, về xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (Long An), anh gặp tốp học sinh trường tiểu học hàng mấy chục em đi học về trên lưng đeo nặng ba lô sách vở, dụng cụ học tập đang leo qua cầu khỉ. Bất chợt nhìn thấy cảnh đó, anh vừa thương và vừa lo sợ cho tính mạng của các em. Anh vội dừng xe bấm luôn một kiểu ảnh và viết bài gửi báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Chỉ một thời gian sau, các em học sinh không còn phải bò trên chiếc cầu khỉ nữa. Năm 2011, Ngọc Lộc về quê, gặp bà Đoàn Thị Nhớ (72 tuổi), vợ một liệt sĩ ở thôn Điền Như, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) nhà cửa ở dột nát. Thấy thế anh chụp lại cái "lều" của bà Nhớ, gửi đăng báo Hải Dương. Sau khi báo đăng, Huyện ủy Gia Lộc về tận xã Toàn Thắng kiểm tra. Sau đó, huyện đã chỉ đạo khẩn trương xây nhà tình nghĩa cho bà Nhớ, trị giá 50 triệu đồng. Anh còn đến với học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Cứ mỗi lần có bài và ảnh được đăng báo, anh lại dùng toàn bộ số tiền nhuận bút đó để tặng lại các em. Mỗi năm khi về thăm quê ở Hải Dương anh đều dành từ 3-5 triệu đồng từ tiền nhuận bút đem tặng Trường Tiểu học xã Thống Kênh (Gia Lộc) làm quà khen thưởng các em học giỏi.
Tấm lòng của Ngọc Lộc thật đáng quý.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN