Cách đây hơn chục năm, một lần lên Hà Nội, tôi nghỉ lại ở 37 Hùng Vương, tình cờ cùng phòng với nhà thơ Minh Huệ từ Nghệ An ra. Ngày còn học phổ thông, tôi thuộc lòng bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”, nhưng giờ mới “mục sở thị” nhà thơ, nên cơm tối xong, về phòng, tôi pha ấm trà đặc mời nhà thơ “đối ẩm”. Vừa cạn tuần trà đầu, tôi hỏi ngay:
- Ông viết bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” trong hoàn cảnh nào?
Không nghĩ ngợi lâu, nhà thơ nói ngay:
- Một đêm cuối đông năm 1950, tôi vừa từ chiến trường Bình Trị Thiên ra Thanh Hóa, làm cán bộ tuyên huấn Khu ủy khu 4, thì gặp anh Trác. Tôi và anh Trác trước cùng công tác với nhau. Biết anh có đi chiến dịch Biên giới, tôi hỏi: “Nghe nói Bác Hồ đi chiến dịch, cậu có được gặp Bác không?”. Thế là anh Trác kể luôn chuyện Bác Hồ đi chiến dịch mà anh ấy là một trong những người được đi bảo vệ Bác. Trong những chuyện anh Trác kể hôm ấy, có một chuyện tôi nghe rất cảm động.
Đó là một đêm trên đường đi chiến dịch, Bác Hồ cùng anh em bảo vệ dừng chân trong một cái lán có các chiến sĩ Vệ quốc đang trú quân. Trời tối om. Bếp lửa tắt tự lúc nào. Bác lặng lẽ đến ngồi bên bếp, tự tay nhóm lại lửa. Củi rừng khô nỏ, chỉ một loáng ngọn lửa đã cháy phừng phừng. Một anh Vệ quốc tỉnh giấc, nhận ra Bác Hồ đang ngồi bên bếp lửa. Anh rón rén dậy, đi lại chỗ bếp lửa, lễ phép thưa: “Bác ơi, Bác đi ngủ đi. Khuya lắm rồi ạ”. Nhưng Bác Hồ lại quay lại, giục anh: “Cháu cứ đi ngủ đi. Ngày mai còn đánh giặc”. Câu chuyện anh Trác kể, tôi viết lại gần như thật trong bài thơ. Với những câu, như: “Anh đội viên thức dậy/Thấy trời khuya lắm rồi/Mà sao Bác vẫn ngồi/Lặng yên bên bếp lửa”. Chỉ khác là khi viết, tôi để anh đội viên kia ba lần thức dậy: “Lần thứ ba thức dậy/Anh hốt hoảng giật mình”, để lột tả tình cảm kính yêu Bác của anh Vệ quốc quân, gói vào một khổ thơ với hai điệp ngữ “mời Bác ngủ”: “Anh đội viên nằng nặc/Mời Bác ngủ Bác ơi/Trời sắp sáng mất rồi/Bác ơi! Mời Bác ngủ”.
Tôi hỏi cắt ngang câu chuyện:
- Trước đây, đọc bài thơ, tôi cứ nghĩ người viết có vinh dự được gần Bác Hồ, hoặc ít ra cũng nhiều lần gặp Bác, mới viết được như thế.
Nhà thơ Minh Huệ nói ngay bằng một giọng chân thành và cảm động:
- Khi làm bài thơ ấy, tôi chưa được thấy Bác Hồ lần nào. Nhưng thực thì Bác Hồ đã ở trong tâm tưởng tôi rồi. Tôi tự hào được là người con của quê hương Bác Hồ. Trong tôi vẫn nung nấu viết một cái gì đó về Bác. Đến khi nghe anh Trác kể chuyện đi chiến dịch Biên giới, thì lập tức trong tôi bùng lên tình cảm mới và rất lớn lao về Bác. Sở dĩ trong bài thơ, tôi miêu tả từng cử chỉ của Bác: “Rồi Bác đi dém chăn/Từng người từng người một/Sợ cháu mình giật thột/Bác nhón chân nhẹ nhàng”. Là vì tôi nghĩ tình cảm và sự chăm sóc của Bác đối với các chiến sĩ cũng như mẹ mình đối với mình hồi còn nhỏ. Cho nên khi viết, cảm hứng của tôi về Bác Hồ là cảm hứng về người mẹ đối với con, vừa ân tình, cẩn thận, lại vừa cụ thể đến từng chi tiết nhỏ. Dù bài thơ không có chữ nào gọi, hay ám chỉ “mẹ”, nhưng đọc thơ thì lại cảm giác như viết về người mẹ rồi.
- Khi đã có cảm xúc như thế thì ông viết cũng nhanh, thưa nhà thơ?
Câu hỏi của tôi như làm nhà thơ Minh Huệ phải lần giở lại thời gian. Ông dừng lại giây lát, rồi mới chậm rãi:
- Không nhanh đâu. Tôi viết tháng 10-1950, qua Tết Nguyên đán, tất cả gần năm tháng mới xong. Lúc đầu tôi viết còn dài, rồi cứ sửa đi sửa lại. Cuối cùng chỉ còn lại mười sáu khổ thơ như hiện nay.
Nghe nhà thơ Minh Huệ nói đến đấy, rồi đột ngột dừng, tôi lại nghĩ câu chuyện đến đây hẳn là cũng vãn. Nhưng chiêu xong chén trà, nhà thơ lại quay nhìn tôi, đột ngột bảo:
- Cái kết bài thơ không phải của tôi đâu. Của bà vợ tôi đấy. Rồi dường như thấy tôi có phần bất ngờ, ông mỉm cười giải thích: Chả là khi viết đến câu: “Anh thức luôn cùng Bác”, tôi định kết bài luôn. Nhưng đọc đi đọc lại vẫn thấy thiêu thiếu cái gì nữa mới trọn ý. Thế là mấy đêm liền thức đến khuya để tìm ý tứ, câu chữ nhưng vẫn chưa ra. Một đêm, bà vợ tôi ngủ một giấc dậy còn thấy tôi ngồi trầm tư, liền hỏi: “Ông nghĩ gì mà nghĩ mãi mấy đêm nay thế?”. Tôi nói ngay: “Thì vẫn là bài “Đêm nay Bác không ngủ”. Nhưng nghĩ mãi chưa ra cái kết vừa ý”. Thế là vợ tôi vùng dậy, đi lại cái bàn tôi đang ngồi, chậm rãi: “Tưởng gì. Đêm nay Bác Hồ không ngủ vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh, chứ sao phải nghĩ mãi”. Tôi thấy đúng ý mình quá, nên viết vội câu của vợ kẻo sáng ra lại quên: “Vì một lẽ thường tình/Bác là Hồ Chí Minh”. Tôi chỉ việc lấy hai câu này đặt sau hai câu tôi đã viết: “Đêm nay Bác ngồi đó/Đêm nay Bác không ngủ” là có một khổ thơ kết như mọi người đã biết.
CAO NĂM