Cuối năm 1994, khi nhà văn Hoàng Minh Tường vừa từ phòng làm việc ra về thì gặp ngay một ông già tóc bạc, lưng hơi còng, một bên vai hơi lệch vì phải xách một chồng sách, đi lên cầu thang Tuần báo Văn nghệ.
Cuối năm 1994, khi nhà văn Hoàng Minh Tường vừa từ phòng làm việc ra về thì gặp ngay một ông già tóc bạc, lưng hơi còng, một bên vai hơi lệch vì phải xách một chồng sách, đi lên cầu thang Tuần báo Văn nghệ.
- Ơ kìa, bác Hoàng Cầm. Sách vở gì mà nhiều thế này? - nhà văn Hoàng Minh Tường nhận ra nhà thơ của chiếc lá diêu bông hư ảo.
Nhà thơ Hoàng Cầm đặt chồng sách xuống bàn, cười bảo:
- Đi bán sách ông ạ. Hữu Thỉnh có nhà không? Phải bán cho các tổng biên tập để họ mua cho thư viện, cơ quan. Như thế mới dễ thu tiền.
- Chà chà… Bác mới chuyển sang phát hành sách à? Cuối năm, phải phát hành thêm cả lịch nữa bác ạ!
Hoàng Cầm nhìn nhà văn Hoàng Minh Tường rồi chợt hiểu ra, cười:
- Tập thơ của mình mới in xong đấy chứ. Mình đi bán… Kinh Bắc.
Ồ, hoá ra là tập thơ "Về Kinh Bắc" của nhà thơ mới xuất bản.
- Sao bác không để cho nhà xuất bản họ phát hành giúp?
- Ông cứ như trên trời rơi xuống. Nhà thơ nào in thơ bây giờ chẳng phải đi bán sách lấy. In có 1.000 cuốn mà bán cũng trầy trật. Đành bán theo kiểu này. Không hết thì dành lại tặng bạn bè.
Nhà văn Hoàng Minh Tường nhìn ông già hơn bảy mươi mà ái ngại, vội móc túi lấy tiền dúi vào tay nhà thơ:
- Bác đề kỷ niệm cho em một cuốn.
- Có 12 ngàn thôi mà, sao lại đưa những 20?
- Biếu bác để uống rượu - nhà văn Hoàng Minh Tường vội nói - Nếu em là Tổng Giám đốc thì phải mua tập thơ này với giá 200.000 đồng là ít…
- Hay! Ông là một độc giả thú vị - nhà thơ vỗ vai nhà văn Hoàng Minh Tường và bảo - Nhưng mà tập Kinh Bắc này cũng đáng đọc lắm ông ạ. Không có "Bên kia sông Đuống" nhưng mà có "Lá diêu bông" đấy. Viết xong tập Kinh Bắc từ năm 1959, mà 35 năm sau nó mới ra đời…
Nhà văn Hoàng Minh Tường cảm ơn nhà thơ Hoàng Cầm và về đọc thâu đêm.
Ôi, hoá ra chiếc lá diêu bông là một chiếc lá hoàn toàn không có thật trên đời, chiếc lá của riêng nhà thơ nghĩ ra, vậy mà giờ đây lại rất thân thuộc với hàng triệu người. Nhà thơ đã dành mấy trang ở phần Vĩ thanh để nói về sự ra đời của chiếc lá này. Ấy là mối tình si của cậu bé Hoàng Cầm 8 tuổi với một người chị 20 tuổi nổi tiếng xinh đẹp của vùng quan họ. Cậu bé tôn thờ và mê đắm chị. Chị như một biểu tượng của cái đẹp, là hiện thân của Nàng Thơ theo đuổi Hoàng Cầm suốt đời. Rồi một đêm chập chờn, nhà thơ thấy chị hiện về. Chị cúi xuống bên tai thầm thì: "… Đứa nào tìm được lá diêu bông, từ nay ta gọi là chồng…". Bài thơ ra đời như thế, chiếc lá diêu bông ảo diệu ra đời như thế. Đó chính là Kinh Bắc, cõi tâm linh và mộng tưởng của thi sĩ Hoàng Cầm.
Vậy mà nhà thơ phải đi bán…
LÊ HỒNG BẢO UYÊN (st)