Việt Nam có gần 40 tổ chức tôn giáo đang hoạt động và tuân thủ pháp luật, gắn bótôn giáo với dân tộc.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh như vậy trong trả lời phỏng vấn VOV Online, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981-7-11-2011).
Ông Nguyễn Thanh Xuân |
PV:Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc góp phần cùng với các tôn giáo khác thực hiện phương châm đồng hành cùng dân tộc?
Ông Nguyễn Thanh Xuân: Trong các tôn giáo Việt Nam thì Phật giáo là tôn giáo lớn. Lớn trên nhiều phương diện. Trước hết Phật giáo có lực lượng tín đồ, chức sắc đông đảo với khoảng 10 triệu người, chưa kể đến hơn một nửa dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo về văn hoá, lối sống, đạo đức, tâm lý…
Thứ hai, Phật giáo có phạm vi hoạt động rộng nhất. Ở bất cứ địa phương nào cũng đều có ảnh hưởng của Phật giáo.
Thứ ba, Phật giáo là một tôn giáo có quá trình truyền bá và tồn tại ở Việt Nam lâu nhất, cách đây 2.000 năm.
Thứ tư, đây là một tổ chức tôn giáo có đóng góp với dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử, đặc biệt là từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo đến nay. Ngay từ khi thành lập, Giáo hội đã xác định đường hướng hoạt động là “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội”. Đây là định hướng rất tiến bộ trong Phật giáo Việt Nam. 30 năm qua, bám sát đường hướng đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng với các tôn giáo khác thực hiện phương châm đồng hành cùng dân tộc, đóng góp rất lớn cho đất nước.
Về phương diện xã hội, Phật giáo đã hướng dẫn, lãnh đạo các tăng ni, Phật tử của mình đoàn kết với các tôn giáo khác để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, Phật giáo là tôn giáo đi tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, Phật giáo động viên tín đồ, tăng ni, Phật tử ủng hộ, tham gia quá trình đổi mới của đất nước.
Phật giáo với tư tưởng từ bi, hỉ xả đã đóng góp rất lớn trong các hoạt động từ thiện xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2006 đến tháng 6/2011, công tác từ thiện của Giáo hội Phật giáo đã huy động được khoảng 2.000 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội. Tại nhiều ngôi chùa hiện nay là mái ấm tình thương cho người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, những người có HIV…
Một hoạt động nổi bật nữa là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia và có đóng góp tích cực vào các hoạt động quốc tế. Đặc biệt, từ năm 1991, cùng với chính sách mở rộng đối ngoại của đất nước, Giáo hội Phật giáo không chỉ hoạt động đối ngoại về vấn đề tôn giáo mà còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác. Từ năm 1991 đến nay, Giáo hội tham gia hàng trăm hoạt động trong các diễn đàn quốc tế, diễn đàn khu vực, đối thoại Á-Âu, đối thoại liên tín ngưỡng Á-Âu, đối thoại nhân quyền…
Bằng các hoạt động của mình, có thể thấy rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 30 năm qua vẫn kiên trì, rốt ráo và sốt sắng thực hiện đường hướng đã được xác định, tích cực đóng góp cho xã hội, đất nước. Tôi và một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu xét trong dòng chảy của lịch sử thì 30 năm thống nhất Phật giáo trong một tổ chức chung thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển vượt bậc, có thể coi đó là đỉnh cao của phong trào phát triển Phật giáo Việt Nam.
Nhà nước đảm bảo bằng luật pháp quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
PV: Các thế lực thù địch thường lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để phá hoại khối Đại đoàn kết dân tộc. Họ cho rằng, tự do tôn giáo là không chịu sự quản lý của Nhà nước. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Nguyễn Thanh Xuân: Hoạt động tôn giáo là hoạt động mang tính xã hội. Những hoạt động mang tính xã hội bao giờ cũng nằm trong sự quản lý của một đất nước. Dù ở bất cứ một đất nước nào, chính thể nào đều có sự quản lý đối Nhà nước với xã hội. Và như vậy, đương nhiên, hoạt động tôn giáo cũng chịu sự quản lý của Nhà nước.
Trong quản lý của Nhà nước ta bao giờ cũng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Thực hiện quản lý hoạt động tôn giáo, trên cơ sở luật pháp và đặc điểm của hoạt động tôn giáo, Nhà nước tạo ra các khung pháp lý, để theo đó, người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mình, để các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo của mình. Và như vậy, quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo không có nghĩa là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo mà chính là tôn trọng và đảm bảo bằng luật pháp quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước về tôn giáo nhưng ở những hình thái khác nhau. Có những nước không đưa ra văn bản quy phạm pháp luật chung cho các tôn giáo để hướng dẫn hoạt động tôn giáo nhưng họ lại có các quy định ở các luật khác. Ở Việt Nam và một số nước do đặc thù quản lý của mình thì đưa vào những bộ luật riêng để theo đó, thực hiện luật quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo.
Rước xe hoa tại Lễ Phật đản năm 2010 (ảnh: Minh Hoà) |
PV: Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc hay xảy ra các xung đột về tôn giáo. Kẻ xấu lợi dụng việc này để truyền đạo trái pháp luật, gây chia rẽ tôn giáo. Với những vùng trọng điểm như vậy, Nhà nước có các biện pháp gì để ngăn chặn sự lợi dụng này?
Ông Nguyễn Thanh Xuân: Ở khu vực dân tộc thiểu số, trong đó có 2 khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc trong thời gian gần đây, hoạt động tôn giáo, truyền giáo được gia tăng, số người theo đạo tăng lên. Chúng tôi nhìn nhận đó là một hiện tượng tôn giáo, một hiện tượng mang tính xã hội. Ở hai khu vực đó, chủ yếu đồng bào theo đạo Tin lành và theo đạo Công giáo và đây là sự cải đạo, thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng trong một cộng đồng dân tộc thiểu số…
Việc cải đạo theo một tôn giáo mới là một việc bình thường không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Ở những vùng dân tộc thiểu số chưa có tôn giáo chính thức nên giờ đây họ tìm đến tôn giáo là việc bình thường. Trong bối cảnh như vậy, các tôn giáo tăng cường truyền bá ở những nơi như vậy để thu hút được số người theo đạo. Khi có sự cải đạo thường dẫn đến sự va chạm, xung đột về văn hoá, tôn giáo.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, những người cải đạo theo tôn giáo mới đã hình thành đức tin, tạo ra tình cảm, niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Trên cơ sở nhìn nhận thực tế khách quan, Nhà nước đã bình thường hoá sinh hoạt tôn giáo ở hai khu vực này. Tây Nguyên hiện nay là gần 1.500 điểm nhóm Tin lành theo buôn và ở Tây Bắc có 250 điểm nhóm Tin làng theo bản Mông đã được đăng ký và các sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở.
Điều đó cho thấy Nhà nước nhìn vấn đề truyền đạo, theo đạo Tin lành ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất rõ ràng và đã có chính sách rất đúng đắn. Nhưng nhiều người không hiểu biết, đánh giá không đúng bản chất của sự việc hoặc cố tình chính trị hoá vấn đề, cho rằng Nhà nước can thiệp. Họ tuyên bố như vậy là xuyên tạc sự thật về bức tranh tôn giáo ở những khu vực này.
Việt kiều là kênh thông tin chính xác về tình hình tôn giáo trong nước
PV: Việt Nam có gần 4 triệu bà con ở nước ngoài. Ông có cho rằng, đây là một lực lượng quan trọng góp phần trong việc chống lại âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch bên ngoài?
Ông Nguyễn Thanh Xuân: 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực khá đông đảo. Họ ra đi với nhiều hoàn cảnh, nhiều lý do, nhưng hiện nay, chính sách hội nhập, mở cửa của Đảng, Nhà nước, các Việt kiều về nước, thăm thân, xây dựng đất nước. Với chính sách đúng đắn, cởi mở của Nhà nước ta thì bà con Việt kiều về nước khá nhiều.
Tuy nhiên, nước ngoài hiện nay vẫn còn một bộ phận hiểu không đầy đủ về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Họ dựa vào những thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo Việt Nam của những thế lực xấu, từ đó họ nghi ngờ, thậm chí phản ứng về chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh đó, lực lượng Việt kiều của chúng ta có 4 triệu người và họ thường xuyên về thăm thân, họ sẽ là các kênh để đưa thông tin chính xác nhất về tình hình tôn giáo trong nước ra nước ngoài.
PV: Trong thời gian tới, việc quản lý Nhà nước về tôn giáo sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Xuân: Trước hết, dựa trên đường lối đổi mới và những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục thể chế hoá, tạo ra hành lang pháp lý, đầy đủ và rõ ràng để các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động và người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mình.
Thứ hai, tiếp tục đưa các chủ trương, chính sách đổi mới về tôn giáo đến với các chức sắc, tín đồ tôn giáo để họ có thông tin và thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.
Một nhiệm vụ nữa là giúp các tôn giáo thực hiện đường hướng tiến bộ và các tổ chức tôn giáo đã xác lập trong quá trình hình thành về mặt tổ chức. Hiện nay, Việt Nam có gần 40 tổ chức tôn giáo đang hoạt động và mỗi tổ chức tôn giáo khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân đều xác định cho một mình đường hướng rất tiến bộ, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật và gắn bó tôn giáo với dân tộc.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là chúng tôi sẽ củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác tôn giáo. Đó là những người phải có bản lĩnh chính trị, có nghiệp vụ quản lý Nhà nước, nhưng đồng thời phải có hiểu biết về tôn giáo và có kiến thức toàn diện.
PV: Xin cảm ơn ông.