Góc nhìn

Nhà nhiều cột

MINH HOÀNG/VnExpress 20/10/2024 07:16

Dù là nam hay nữ thì ai cũng có thể là trụ cột gia đình, miễn sao vai trò đó phù hợp với từng người và được những người còn lại thừa nhận, tôn trọng.

Chị bạn tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình khi có thu nhập tốt hơn chồng. Anh làm trong cơ quan nhà nước, chị làm ngoài. Quỹ tiền chung của gia đình do anh quản lý, gồm sổ tiết kiệm, khoản đầu tư và tiền mặt.

Ở nhà, chồng chị nhận phần lau dọn nhà cửa và rửa bát, còn chị nấu cơm và giặt đồ. Quần áo, giầy dép và đồ sinh hoạt cá nhân anh chị thường mua tặng nhau như một thú vui.

Khi một trong hai người đi công tác, người ở nhà chuẩn bị đồ đạc cho vào vali của người đi. Sự phân chia công việc bất thành văn này hình thành từ ngày anh chị mới cưới nhau.

Ngày 8/3 và dịp 20/10 hàng năm là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, thông qua truyền thông, phát đi những thông điệp thúc đẩy bình đẳng giới. Tôi nghĩ gia đình anh chị có thể là một hình ảnh đáng được lựa chọn để tạo nên cách hình dung giản dị và hiệu quả về nam nữ bình quyền.

Ở khắp các công sở, khu dân cư và gia đình dịp này, đâu đâu cũng thấy hoa, quà và tiệc mừng ngày của phụ nữ với những lời chúc có cánh như xinh đẹp và hạnh phúc.

Không khó để bắt gặp những bài viết nói về nguyên nhân - hậu quả của bất bình đẳng giới và sự thiệt thòi mà phụ nữ phải chịu. Nhiều con số từ các khảo sát, nghiên cứu cũng được công bố. Nam giới được cho là đối tượng cần phải thay đổi nhận thức và hành vi.

Nhiều chương trình truyền thông - giáo dục thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, tờ rơi, áp phích và băng rôn của các tổ chức xã hội và đoàn thể cũng thực hiện theo cách tương tự.

Tuy nhiên, tôi luôn băn khoăn: có bao nhiêu nam giới thực sự tiếp nhận (ghi nhớ) những thông tin tuyên truyền - giáo dục này để tự thay đổi nhận thức và hành vi?

Các nghiên cứu về tâm lý và giáo dục học đã chỉ ra rằng người ta chỉ thực sự nghe và ghi nhớ những gì dễ nghe và muốn nghe; đồng thời, từ chối tiếp nhận thông tin bất lợi bằng nhiều cơ chế phòng vệ tâm lý như phủ nhận/chối bỏ, né tránh, hợp lý hóa hoặc phản ứng ngược (theo thuyết Phân tâm học của bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học Sigmund Freud) để "bảo vệ" mình.

Cơ chế phòng vệ tâm lý diễn ra một cách vô thức với "kết quả đầu ra" là quên (không thể nhớ lại được những gì đã nghe), né tránh hoặc đổ lỗi.

Việc nam giới ở các công sở, khu dân cư và mỗi gia đình nô nức tổ chức lễ kỷ niệm, tặng hoa và quà cho phụ nữ trong các ngày 8/3 và 20/10 cũng có thể chỉ là cơ chế phòng vệ tâm lý, một động tác giả nhằm đánh lạc hướng chú ý của phụ nữ khỏi thực trạng bất bình đẳng giới đang tồn tại.

Sau hai ngày phụ nữ được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", mọi thứ lại trở về trạng thái bất bình đẳng như vốn có.

Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông - giáo dục về bình đẳng giới cũng rơi vào "bẫy" "cầu bập bênh". Quá thiên về việc nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ một cách máy móc và bỏ quên yếu tố quan trọng là sự công bằng dựa trên khác biệt về giới tính sinh học sẽ dẫn tới nữ quyền cực đoan và phản nữ quyền. Chiếc cầu bập bênh không bao giờ cân bằng và luôn nghiêng về một phía.

Gần đây, Ngày Quốc tế đàn ông 19/11 dần được xã hội chú ý nhiều hơn. Vai trò và đóng góp của đàn ông cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của xã hội loài người được ghi nhận và trân trọng.

Đặc biệt, những khó khăn và áp lực mà nam giới phải chịu trong suốt cuộc đời do những vai trò được xã hội gán cho khiến họ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần đã được biết đến.

Tại không ít công sở và gia đình, cũng đã có hoa, quà và các lời chúc tốt đẹp dành cho đàn ông vào ngày này.

Nhưng, theo cách mà cơ chế phòng vệ tâm lý trong mỗi con người hoạt động như đề cập ở trên, liệu phụ nữ có chịu tiếp nhận những thông tin này khi họ cho rằng mình mới là đối tượng yếu thế, là nạn nhân và đóng băng mọi giác quan?

Nói về hiệu quả của việc tuyên truyền - giáo dục, tôi lại nhớ đến chiếc xe truyền thông lưu động chạy qua các con phố. Khi xe chạy qua, thứ mỗi người nghe được chỉ là một vài câu từ bập bõm của một đoạn thông tin nào đó và gần như không thể hiểu đầy đủ những kiến thức, kỹ năng và thông điệp mà người viết nội dung phát thanh đã kỳ công chuẩn bị.

Hiệu quả truyền thông theo lối mòn mà tôi vừa đề cập cũng sẽ thấp như vậy. Các thông điệp sẽ khó chạm tới được đàn ông để họ thay đổi nhận thức và hành vi.

Tuy nhiên, không phải đã hết cách để làm mọi thứ khác đi. Tiêu đề "nhà nhiều cột" mà tôi đặt cho bài viết này là tên của một chiến dịch truyền thông xã hội về bình đẳng giới do một tổ chức quốc tế có văn phòng tại Việt Nam thực hiện.

"Nhà nhiều cột" mang hàm ý dù là nam hay nữ thì ai cũng có thể là trụ cột gia đình, miễn sao vai trò đó phù hợp với từng người và được những người còn lại thừa nhận, tôn trọng.

Cách tiếp cận này đề cao vai trò của cả hai giới cũng như từng cá nhân, không phủ định giới này để khẳng định giới kia, thông qua những câu chuyện vượt khỏi khuôn mẫu giới trên tinh thần không chỉ trích.

Trở lại câu chuyện của gia đình chị bạn tôi. Bố chồng chị đóng một vai trò rất quan trọng trong gia đình mà cả chị và chồng chị đều không làm được. Ông biết sửa toàn bộ hệ thống điện, nước và thiết bị điện tử trong nhà.

Nhiều cột như gia đình đó, chắc hẳn sẽ rất vững chãi và hạnh phúc.

MINH HOÀNG/VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nhiều cột