Nhà nghiên cứu về đất Tổ

16/04/2016 15:02



Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương được ví là nhà "Phú Thọ học" với hàng loạt
cuốn sách có giá trị về mảnh đất này


Người xưa ví von: Thất thập “cổ lai hy”, bát thập “như đại phúc”, thì cửu thập “như nhân tiên”. Trong ngôi nhà “cấp 5” đơn sơ nằm sâu trong con ngõ nhỏ bên đường Lê Quý Đôn, ở khu 9, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì (Phú Thọ) đang có hai “nhân tiên” là ông bà Nguyễn Khắc Xương. Đầy đặn "cửu thập niên" nhưng cụ ông vẫn minh mẫn dù bước đi có phần chậm chạp. Ít hơn cụ ông vài tuổi nhưng do phải vất vả thân cò “quanh năm lặn lội ở mom sông, nuôi đủ bảy con với một chồng” nên cụ bà nay đã yếu và hơi lẫn. Dưới vầng trán rộng phủ mây trắng bồng bềnh là ánh mắt tinh anh sau cặp kính lão, ông Xương vẫn chỉ cho tôi những con chữ li ti trong một tài liệu xuất bản từ năm 1997 của Tiến sĩ Lê Văn Kỳ ở Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian. Khổ thân con trẻ, sinh sau ông gần bốn mươi năm đã phải lôi mục kỉnh ra để cùng nhìn với “nhân tiên”. Ở cuốn sách ấy, ông Tiến sĩ họ Lê viết rằng: “Năm 1973, trên tạp chí Văn học, Nguyễn Khắc Xương công bố bài Tìm hiểu mối quan hệ giữa thần thoại, truyền thuyết và diễn xướng tín ngưỡng phong tục. Trong lịch sử của việc nghiên cứu mối quan hệ giữa truyền thuyết và hội lễ, bài viết của Nguyễn Khắc Xương là công trình duy nhất có những nhận xét xác đáng”. Đây là một khẳng định về giá trị học thuật trong tác phẩm của Nguyễn Khắc Xương, là minh chứng về sự thành công trên con đường sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian mà ông đã chọn sau khi đã qua mấy ngả rẽ từ đội viên tự vệ thành Hà Nội, đội viên tuyên truyền xung phong, chiến sĩ Ty Công an Hải Phòng, cán bộ ủy ban huyện Hạ Hòa. Sau gần chục năm “điền dã” tới 581 nơi thờ tự gồm đền, miếu, đình nghè, nghiên cứu gần 600 thần tích, ngọc phả cùng 80 di chỉ khảo cổ học, đến năm 1971, Nguyễn Khắc Xương đã cho ra mắt tác phẩm đầu tiên của mình: Truyền thuyết Hùng Vương. Tập sách quý này dường như cứ vài năm lại bổ sung, tái bản, có lần in tới 40.000 cuốn.

Từng đỗ tú tài Tây học, rất giỏi Pháp văn lại hiểu biết trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật cộng với sự dày công sưu tầm, nghiên cứu, nên số lượng các sản phẩm khoa học của ông ngày càng nhiều thêm. Sau truyền thuyết Hùng Vương là hàng loạt cuốn sách có giá trị: Truyền thuyết Trưng Vương; Hát Xoan, hát Ghẹo Vĩnh Phú; Tục ngữ, ca dao, dân ca Vĩnh Phú; Văn hóa làng Phú Thọ; Văn hóa Việt Mường trong mối quan hệ truyền thống; Văn hóa Mường Phú Thọ; các tập sách kể chuyện dân gian, thơ ca, ngạn ngữ dân gian đất Tổ; Nghiên cứu các hèm tục, lễ nghi dân gian, các trò chơi, trò diễn hội làng. Đặc biệt, cuốn Hát Xoan Phú Thọ là một tài liệu quý, góp phần hoàn thiện hồ sơ để UNESCO công nhận hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong bài báo Con của những người nổi tiếng in trên báo Truyền hình cách đây chục năm, nhà văn Băng Sơn viết: “Con trai nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là ông Nguyễn Khắc Xương- một nhà nghiên cứu thật sâu và xuất sắc về Nguyễn Khắc Hiếu - tức là về người cha thân yêu của mình”. Điều ấy lý giải vì sao Nguyễn Khắc Xương có các công trình nghiên cứu rất đồ sộ về cha mình - ông Thần Ngông: Tuyển tập Tản Đà, Giai thoại Tản Đà, Tản Đà trong lòng thời đại với gần 3.000 trang in.

Từ người nghiên cứu, giờ đây, với thành tựu khoa học của mình, ông Nguyễn Khắc Xương lại là đối tượng nghiên cứu của văn học. Bằng chứng là vào tháng 3 năm trước, giáo sư Lê Chí Quế ở Đại học Sư phạm Hà Nội đã viết thư tay cho ông mong được giúp đỡ để cô sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhung hoàn thành khóa luận tốt nghiệp về “Sự đóng góp của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Xương đối với ngành văn học dân gian và văn hóa dân gian”.

NGƯỜI VEN SÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nghiên cứu về đất Tổ