Nhà máy điện "ở trong rừng"

01/08/2019 21:44

​Chưa xét đến quy mô nhà máy và công suất sản xuất điện mà chỉ nhìn riêng về môi trường thì Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã lập nên 2 kỳ tích.


Nhờ quan tâm trồng cây xanh mà không khí ở Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại thoáng đãng, trong lành

Trước hết, cách đây mấy chục năm, để xây dựng nhà máy ở vị trí lý tưởng nhất, Nhà nước đã phải di dời cả một thị trấn tồn tại lâu đời ở vị trí này là thị trấn Phả Lại về một vị trí mới cách xa chỗ cũ tới hơn chục cây số mà vẫn được nhân dân chấp thuận và ủng hộ. Hơn thế nữa, doanh nghiệp còn phải san phẳng cả một quả đồi to để có đủ mặt bằng xây dựng nhà máy lớn, hiện đại. Ngày nay, ngay người dân Phả Lại có về nơi ở cũ, chỗ nhà máy được xây dựng bây giờ cũng thấy xa lạ và không còn nhận ra chỗ gia đình mình xưa ở đâu nữa. Những người chọn vị trí cho nhà máy đã có tầm nhìn trước về môi trường đến cả vài chục năm. Nơi nhà máy tọa lạc không chỉ xa khu dân cư mà còn gần sông dễ cung cấp nước, nhất là tiện cho giao thông đường thủy khi một khối lượng than khổng lồ từ Quảng Ninh hằng ngày tập kết về đây phục vụ nhà máy sản xuất.

Kỳ tích thứ 2 là ngay từ đầu, doanh nghiệp đã thiết kế đất để mở rộng khi cần và một diện tích tương đương với khu sản xuất để xử lý môi trường. Hiện tại, nhà máy đã có dây chuyền thứ 2, nhưng theo ban lãnh đạo công ty không gian vẫn còn đủ để xây dựng thêm dây chuyền mới nữa. Điều làm nên kỳ tích về môi trường là các chỗ đất trống. Dù rộng hay hẹp, dù đứng riêng hay xen kẽ vào các dây chuyền thiết bị thì đều được phủ các cây gỗ, mà chủ công là cây bạch đàn. Do tầm nhìn của ban lãnh đạo nên trong phần đất dành cho môi trường, công ty còn cố gắng tạo ra sự đa dạng về sinh thái, nghĩa là có hồ nước rộng, rừng ven hồ, rừng ven sông, khu cây cảnh ở công viên...

Tất cả đều là rừng trồng mới, nhưng khu rừng bạch đàn đã rất rậm rạp và cao tới 25 - 30 m. Vốn có nguồn gốc là đất rừng, hơn nữa các cây trồng ở đây có nguồn gốc nhiệt đới nên chúng phát triển rất nhanh. Nhiều khoảnh rừng rậm rạp như rừng tự nhiên, nghĩa là có đầy đủ 3 tầng rừng. Tầng trên là tầng cây gỗ, tầng giữa là tầng cây bụi và dưới cùng là thảm thực vật thấp. Các cây bụi và thảm thực vật thấp có thể do các cây rừng ở xung quanh phát tán tới nên rất đa dạng và nhiều chủng loại. Có thể trong số cây đó có rất nhiều cây thuốc Nam, vốn là cây bản địa của vùng rừng Chí Linh.

Rừng còn là môi trường sống của động vật nên ở đây có nhiều loại bò sát, côn trùng, nhất là nhiều loài bướm. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu của khu rừng này là có rất nhiều chim chóc, trong đó nhiều nhất là các loài cò, vạc. Rất tiếc, hôm chúng tôi khảo sát lại gặp ngày sắp có bão nên cò, vạc sợ gió ẩn cả dưới tầng cây bụi, phải vỗ tay và xua đuổi chúng mới phấp phới bay lên. Khi dùng ống nhòm nhận dạng, thấy có nhiều loài cò như: cò trắng, cò ruồi, cò ngàng và vạc xám. Rất may còn thấy cả cò nhạn, một loài chim có tên trong Sách đỏ, trước chỉ có ở các tỉnh phía Nam, gần đây do biến đổi khí hậu nên chúng mới di chuyển ra Bắc. Trên đường đi, chốc chốc lại gặp một tấm biển nhắc nhở: “Cấm chặt phá cây và săn bắn chim, cò”. Đại diện công đoàn công ty cho biết bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, công nhân viên tham gia góp sức tôn tạo và bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đã xây dựng các nội quy xử phạt những hành vi gây hại đến môi trường. Nội quy này được quán triệt đến từng người lao động để thực hiện nghiêm túc. Tham quan nhà máy mọi người như vừa đi khảo sát ở rừng về.

Đó là điều còn ít biết về Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, nơi có môi trường sản xuất tốt. Nhờ thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tích cực trồng cây xanh mà nhà máy như được xây dựng giữa rừng. Hay nói khác đi, rừng ở trong nhà máy cũng đúng. Có thể chốt điều này trong một câu thơ lục bát: "Điện Phả Lại ngự trong rừng/Cỏ cây, cò vạc bên từng bước đi".

NGUYỄN VĂN KHANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà máy điện "ở trong rừng"