Vậy là ông đã ra ở nhà mặt phố. Mong ước từ lâu của vợ và lũ con đã thành hiện thực. Ngày dọn nhà ra phố giống như ngày ông cưới bà vì cái gì cũng mới, đến cả chén bát khua rổn rảng nơi phòng ăn cũng trắng bong, sạch tinh tươm. Vui nhất có lẽ là thằng út, nó ném chiếc xe đạp cũ mèm cho con nhà Mảnh ở cuối xóm để đổi con chó vàng mang hai móng đeo sau chân và được ông mua cho chiếc Wall cáu cạnh vì nhà mới thì cái gì cũng phải mới.
"Ông Hai đổi đời" xóm cũ tận trong con lạch có cây cầu gỗ bắt qua mương nước chảy ngoằn ngoèo trồng đầy rau muống đã gán biệt danh thì thấy ông tất bật đi đi về về trông coi ngôi nhà đang xây ngoài phố.
Thật ra ông cũng đổi đời thật, dù không trúng vé số cặp, không có bà con thân thích là Việt kiều. Với ông, mãi đến lục tuần, ăn cơm tập thể non phần tư thế kỷ rồi mới về bên vợ con trong mảnh đất không phải quê cũng chẳng phải phố và lúc ấy giá rẻ nửa cho nửa bán hợp với túi tiền ki cóp, những mảnh đất ấy dù dấu tích cũ là gò bãi bị lấn dần thành đất trồng trọt thì qua tay ông vun xới đã bật lên màu xanh mát mắt, có ao, có vườn điểm xuyến cây ăn trái. Chiều chiều ngồi bên bàn trà dù một mình hay có bạn, ông hưởng được giây phút thư thái, tai thoảng nghe tiếng xe cộ vì phía xa là đường phố kề ngoại ô.
Năm trước, một ngày trong buổi chiều tháng bảy oi oi có gió thoảng nhẹ, mảnh sân còn đọng vạt nắng cuối ngày thì vợ ông te tái từ chợ về sớm hơn bình thường để báo tin vui. Dải đất ruộng phía bên nhà vợ giáp ranh thị xã đã được quy hoạch thành đất xây dựng, đang được đền bù và cấp đất. Nhà vợ chia cho mỗi gia đình một lô có trong danh sách để nhận. Ông nghe không vui cũng chẳng buồn cho dù lúc ấy cả nhà vui như hội, mấy mẹ con đã bàn ra tán vào từ nửa năm về trước giờ thì càng sôi nổi. Mấy đứa nhỏ được ra nhà mặt phố, vợ sẽ không còn cảnh mới mờ sáng đã ra đầu chợ thu gom rau quả bán lại bạn hàng mà sẽ mở tiệm tạp hóa hẳn hoi. Ông chỉ lo là lo khu mới nghe đâu theo quy hoạch phải xây nhà tầng định hướng tương lai lên thành phố, mà bán đất ông bà cho người khác thì càng không được. Vả lại, nhà đang rôm rả thế kia, bàn lui chỉ có chết như thời lính lúc công đồn mà không điều nghiên chỉ có thiệt!
Chuyện đâu cũng phải vào đấy, bàn mãi cả hai vợ chồng quyết định bán mảnh vườn đang ở cũng được giá vì nhiều người ở phố đang tìm mua đất ngoại ô để xây biệt thự, thêm tiền từ sổ tiết kiệm và vay thêm ông anh vợ đủ xây ngôi nhà tầng. Ban đầu, ông dự định chừa đất phía trước để trồng cây cảnh, chiều chiều còn ra hóng mát. Nhưng nhà mặt phố thì không ai làm kiểu biệt thự theo đất lô vuông vức như viên gạch ống. Ông tặc lưỡi thở dài để xây hết. Bên trong trang trí hoa văn rồng phượng, bên ngoài sơn màu hoàng yến chạy chỉ cánh sen, gạch hoa lót nền, gạch men ốp cửa cứ thế lúc xong ngồi điểm số tiền ông đau thắt ruột suýt nữa cơn huyết áp tái phát. Vả lại mang tiếng là nhà mặt phố, nhưng phố ở đây là phố mới đường chưa láng nhựa bụi bay mù mịt, không một bóng cây nên nắng cứ đổ vào tầng trên, xối xuống tầng dưới nóng hừng hực, quạt quay tít mù lại càng oi bức. Đêm đêm ông lên tầng thượng hóng tí gió mát lại tất tả quay xuống vì đứa nhỏ gọi cửa, đứa lớn chở mẹ đưa hàng bởi nhà mặt phố mới mở làm sao có khách ra vào mà mở cửa hiệu.
Hôm về nhà mới, các ông anh bà chị bên vợ đến dự, có người đã xây nhà như ông nhưng cũng chưa kế sách nào hay nên tạm đóng cửa. Cậu Út cười khì, bảo "Hay tôi cùng hai bác mở karaoke, phố càng vắng, khách càng vào vì không ngại. Bác trai cứ ngồi canh máy điện thoại điều động em út, khỏe lắm!". Cả nhà hưởng ứng rầm rầm, còn ông suýt nữa bị tai biến vì giận. Tưởng sống gần có anh em với nhau té ra càng gần càng thêm hiềm khích. Trước kia ông thương cậu Út nhất, ông xa nhà biền biệt chỉ có cậu hay qua lại với chị và lo các cháu. Ông im lặng nhìn cậu Út một mình mở nhà hàng karaoke, cậu Sáu mở gara sửa xe máy, hai căn nhà mặt phố chung vách cùng ông ngày thì ầm ĩ tiếng động cơ, đêm thì rộn ràng đủ loại nhạc cùng sắc màu quần áo ra vào cười cợt khiến đầu óc ông như sợi dây đàn đã tăng hết bậc.
Ông tìm được khoảng thời gian cho riêng mình, của mình là lúc tờ mờ sáng. Khi ấy đường phố còn vắng, chỉ vài người vào chợ sớm. Ông cùng con Vàng, giờ như người bạn có nhau bên cạnh vì cả ngày chỉ ông với nó thui thủi trong bốn bức tường bên trong sơn màu hồng phấn, bộ cửa sắt luôn khóa im ỉm được đi dạo trong sương sớm rồi quay về ngôi nhà mặt phố. Đâu được hơn tháng thì như mọi lần, ông cúi đầu chậm rãi bước chợt nghe tiếng xe máy rồ đến cùng tiếng oẳng của con vàng đi phía trước và mất hút. Ông là người cuối cùng của dãy nhà mặt phố không còn chó và không thể nuôi chó cho dù rảnh, cho dù bất cứ loại chó vàng, trắng, đốm, đen nào cả khi mọi người đang cần chất đạm ngon bổ rẻ này.
Căn nhà mặt phố của ông cuối cùng cũng mở rộng cửa và không ai biết chính nhờ cái ngày ông bực mình quát mắng bọn trẻ nửa quê, nửa phố chọn cánh cửa đóng im ỉm làm trụ gôn để đá phạt mười một mét ăn tiền. Mờ sáng ngày hôm sau, khi mở cửa ông nhận ra mùi lạ cùng bao giấy dưới chân ướt nhèm nhẹp. Dân nhà mặt phố ngỡ ngàng lúc thấy ngôi nhà ông có đem bảng hiệu, lắp cửa kính, máy lạnh và cậu Út cười to khi nhìn dòng chữ đề can hớt tóc thanh nữ, bảo nhỏ: "Em thưa ông anh quý mến, đúng là anh hai cơ chế". Lúc này thì ông Hai đổi đời lần nữa. Vâng! Ông đổi đời lần nữa đang tủm tỉm quay mặt sang hướng khác bởi cũng không ai ngoài vợ biết rằng, nhà ông được người khác thuê tầng dưới để sử dụng cả đêm lẫn ngày không như cậu Út và cậu Sáu. Vả lại, số tiền đặt trước đủ để ông mua góc vườn của đồng đội cũ, tuy có xa nhưng lại có chỗ đi về. Sau này, con đường được láng nhựa thì ngôi nhà mặt phố ấy, vợ con ông sẽ tính tiếp.
HUỲNH THẠCH THẢO