Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng ta

01/07/2015 08:24

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc, sinh 1-7-1915 tại Hà Nội trong một gia đình công chức quê ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên).



Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm, chúc Tết cán bộ, xã viên xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng. Ảnh: TTXVN


Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, 14 tuổi, ông đã tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1930, khi mới 15 tuổi, ông đã bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo, địa ngục trần gian mà kẻ thù lập nên hòng đè bẹp ý chí của các chiến sĩ cách mạng. Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp, ông được trả tự do trở về hoạt động, tham gia khôi phục Thành ủy Hải Phòng, trở thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đầu năm 1939, ông được Trung ương Đảng cử vào tham gia Thành ủy Sài Gòn, làm Phó Bí thư Thành uỷ. Cuối năm 1939, ông được Đảng phân công đi khôi phục các tổ chức đảng ở các tỉnh Trung Kỳ. Đầu năm 1941, ông lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án và đày đi Côn Đảo lần thứ hai.


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về hoạt động ở Nam Bộ, cùng đồng bào, đồng chí miền Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông đã sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam, Thành đồng Tổ quốc bất khuất, kiên cường vượt qua mọi hy sinh, gian khổ đánh bại mọi âm mưu, mọi chiến lược chiến tranh của kẻ thù xâm lược. Ông có những đóng góp, cống hiến to lớn đối với mỗi bước phát triển của cách mạng miền Nam trong suốt 30 năm của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Linh ba lần được Đảng trao trách nhiệm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh (1976, 1981, 1982), chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về khôi phục đời sống và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở TP Hồ Chí Minh. Với cương vị là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông đã trăn trở, tìm tòi các giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng thành phố theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tháng 12-1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và trở thành người Tổng Bí thư đầu tiên trực tiếp tổ chức lãnh đạo thực thi nghị quyết đổi mới của Đảng, mở đầu thời kỳ đổi mới ở nước ta. Trách nhiệm cao trước Đảng và dân tộc, sự năng động và sáng tạo của ông trong chiến tranh cách mạng một lần nữa lại được thể hiện trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta đề xướng.

Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Ông đã đề xướng và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm túc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Mỗi khi hoạch định, ban hành đường lối, chính sách mới, ông đều xuất phát từ thực tiễn, từ tình hình cụ thể của đất nước. Trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, ông thường lấy thực tiễn để thuyết phục, kết luận. Ông thường xuyên nhắc nhở các cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, tổng kết thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Ông nói: “Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt, nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét”. Đường lối đổi mới của Đảng ta hình thành và phát triển từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân, trong đó có cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trên trọng trách Tổng Bí thư khóa VI, ông đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đất nước phát triển nhanh trong những giai đoạn tiếp theo.
Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh là tác phong tỉ mỉ, cụ thể, dân chủ. Ông thường xuyên đi xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi dậy một cách dân chủ để mọi người phát biểu, tranh luận, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là những ý kiến trái ngược, để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất. Mỗi quyết sách của đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, ghét thói phô trương, hình thức. Ông nhận thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, những bài báo “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân, ký tên N.V.L vào đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, đã thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Từ Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đến lần thứ VIII (1996), ông được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị đó, ông tiếp tục đem hết sức lực, trí tuệ của mình để tham gia nhiều ý kiến quan trọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hiện, hoàn thiện đường lối đổi mới và những vấn đề lớn của đất nước.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh không thường xuyên làm việc bên cạnh Bác Hồ, nhưng ông luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, ông cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Hơn 10 năm bị địch giam cầm, tra tấn trong ngục tù Côn Đảo, 30 năm gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở miền Nam, đến khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, ông luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân” theo gương Bác Hồ.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 28-4-1998. Với 83 năm tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân", "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", tình nghĩa, thủy chung với đồng chí, đồng bào. Nhân dân nhiều địa phương còn nhớ mãi hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư trong bộ quần áo kaki bạc màu đi trên chiếc xe Lada không có cảnh sát dẫn đường đến với các địa phương, cơ sở. Là một người cộng sản mẫu mực, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh là niềm tự hào của Đảng ta và nhân dân ta.


TTXVN


(0) Bình luận
Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng ta