Rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang rời bỏ Malaysia, chấp nhận ủy thác bán nhà từ xa hơn là chờ đợi mà không biết đến khi nào thì họ có thể được nhập cảnh.
Báo South China Morning Post ghi nhận đang có một cuộc tháo chạy của người Trung Quốc tại bang Johor, bang tận cùng phía nam của Malaysia.
Từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bà Patricia Li dọn đến đây năm 2017, khi mọi thứ đều khiến người ta tin tưởng về một tương lai xán lạn. Thời điểm đó, hàng ngàn người Trung Quốc, là những nhà đầu tư cá nhân tìm đến Malaysia để mua bất động sản với ước mơ có một ngôi nhà thứ hai bên ngoài đại lục.
Nhiều công ty phát triển bất động sản Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào Johor do bang này gần Singapore. Họ phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu của những người Trung Quốc muốn đầu tư ra nước ngoài hoặc xây dựng lối sống mới ở nước ngoài. Từ năm 2011, Công ty bất động sản Country Garden, trụ sở tại Quảng Đông đã đầu tư gần 20 tỷ RM (4,83 tỷ USD) vào Malaysia, tạo ra hơn 1.500 việc làm.
Bà Li mở một quán trà ở Johor chuyên phục vụ cộng đồng người Trung Quốc ngày càng đông ở đây, nhờ chương trình Ngôi nhà thứ hai (MM2H), triển khai năm 2002 cho phép nhà đầu tư nước ngoài có visa cư trú lên đến 10 năm.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn vì dịch COVID-19. Ngoài ra, sự xấu đi trong môi trường địa chính trị khiến các nhà đầu tư Trung Quốc dè chừng. Mới đây nhất, vào tháng trước, Malaysia quyết định tạm dừng chương trình Ngôi nhà thứ hai để phù hợp với quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh để phòng COVID-19 của chính quyền.
Trước nhiều bất ổn, những người muốn định cư ở Johor buộc phải suy nghĩ lại. Những người đã rời Malaysia thì không chắc chắn khi nào họ có thể quay lại. Do đó, một số người xúc tiến bán nhà ở Malaysia từ xa với mức lỗ nặng.
Theo bà Li, trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, có rất nhiều quảng cáo bán căn hộ diện tích 48m2 với giá 600.000 tệ (khoảng 88.640 USD). Trong khi đó, bà Li cho biết mình đã chi tới hơn 1 triệu tệ để mua một căn hộ cùng loại, nơi đang mở quán trà, vào năm 2016.
Quán trà của bà Li hiện chỉ còn vài khách hàng lui tới. Chủ đề thường xuyên nhất của họ là có nên bán rẻ căn hộ của mình hay là không.
Wendy Wu, một người đến từ Bắc Kinh có bất động sản ở Johor khá lo lắng vì cho rằng nếu không được bảo đảm visa cư trú dài hạn, sẽ chẳng có nhà đầu tư mới nào từ Trung Quốc đến Johor mua nhà.
Từ năm 2002 và 2018, chương trình ngôi nhà thứ hai MM2H đã cấp 43.943 visa cho chủ đầu tư của 131 quốc gia và vùng lãnh thổ, 30% trong số đó là người Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, cánh cửa này hiện đã đóng lại và không ai biết khi nào thì mới lại mở ra.
Theo Hiệp hội Tư vấn về chương trình Ngôi nhà thứ hai tại Malaysia, 90% đơn đăng ký họ gửi từ tháng 9 đến 11.2019 (trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19) bị từ chối mà không có bất kỳ giải thích nào.
Mua nhà ở nước ngoài được xem là đường tắt để có một cuộc sống tốt đẹp hơn với nhiều gia đình người Trung Quốc. Không chỉ nhìn thấy giá trị tài sản sẽ tăng giá theo thời gian ở Johor, họ còn bị hấp dẫn bởi môi trường sống nhiệt đới, tốt cho cuộc sống gia đình, trong khi nơi đây lại tương đối gần Singapore.
Johor là nơi mà giấc mơ có một ngôi nhà gần biển, không khí trong lành, con cái học trường quốc tế của người Trung Quốc trung lưu thành hiện thực. Nhiều người đã xuống tay mua đứt một căn hộ ngay trong chuyến đi đầu tiên đến Johor, nhất là khi họ biết rằng giá trung bình của một căn hộ ở đây chỉ bằng 1/4 so với một căn hộ ở trung tâm Bắc Kinh.
Theo Tuổi trẻ