Vốn đầu tư lớn, khó giải phóng mặt bằng, nhiều thủ tục hành chính... khiến việc đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp...
Không có chủ đầu tư hạ tầng, xung quanh doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm công nghiệp
Nghĩa An (Ninh Giang) vẫn để đất trống, cỏ mọc
Mặc dù các địa phương luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN), nhưng đến nay toàn tỉnh mới có 3 trong tổng số 33 CCN có chủ đầu tư.
Doanh nghiệp xin rút Tháng 4.2016, UBND tỉnh có quyết định thành lập CCN Hồng Phúc - Hưng Long với diện tích 50 ha thuộc xã Hồng Phúc và Hưng Long (Ninh Giang). Sau khi có quyết định thành lập, Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Việt Nam (gọi tắt là Công ty Chung Jye) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN này. Theo kế hoạch, công ty sẽ thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Hồng Phúc - Hưng Long với các hạng mục như: san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, cáp điện, xử lý nước thải và các hạng mục khác nhằm thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào CCN. Công ty đã thực hiện các bước đo đạc địa chính, lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng đến tháng4.2017, công ty lại có văn bản xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án hạ tầng CCN.
Ông Nguyễn Tiến Tầng, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết: “Ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định cho Công ty Chung Jye làm chủ đầu tư hạ tầng CCN Hồng Phúc - Hưng Long, huyện đã thành lập đoàn làm việc với cán bộ, nhân dân 2 xã trên và đã đồng ý 100% về chủ trương đầu tư. Nhân dân 2 xã cũng sẵn sàng giao đất để DN thực hiện dự án. Bên cạnh đó, UBND huyện đã nhiều lần làm việc với các bên để tạo sự đồng thuận giữa DN với chính quyền, nhân dân địa phương. Tuy nhiên, do một số khó khăn nên công ty vẫn quyết định xin rút”.
CCN Long Xuyên tại xã Long Xuyên (Kinh Môn) có quy mô gần 62 ha được UBND tỉnh quyết định thành lập vào tháng 7.2016. Công ty CP Nhà thép Đinh Lê ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) được giao làm chủ đầu tư hạ tầng CCN này. Công ty đã thuê đơn vị tư vấn, khảo sát hiện trạng, địa chất, lập dự án đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, đến tháng 6.2017 công ty này cũng có văn bản xin dừng, không đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Long Xuyên.
Hiện nay, trong tổng số 42CCN được quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh đã có 33 CCN hoạt động. Trong đó, chỉ có CCN Lương Điền, CCN dịch vụ thương mại và làng nghề Lương Điền (Cẩm Giàng) và CCN Ba Hàng (TP Hải Dương) có chủ đầu tư hạ tầng. Do đó, hầu hết cơ sở hạ tầng tại các CCN không đồng bộ, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng phụ thuộc vào nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất và nguồn vốn của các DN.
Nhiều nguyên nhânTheo đại diện lãnh đạo Sở Công thương, DN thờ ơ với việc đầu tư hạ tầng CCN vì nhiều lý do. Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trong GPMB thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hạ tầng CCN còn rất thiếu. Nghị định 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN có hiệu lực từ ngày 15.7.2017 nhưng đến nay chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện. Các quy định chung chung, khó áp dụng. Chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư hạ tầng CCN còn hạn chế. Trong khi vốn đầu tư hạ tầng rất lớn thì các quy định về việc thu hồi vốn chưa cụ thể, thời gian kéo dài gây khó khăn cho DN khi quyết định đầu tư dự án.
Một trong những nguyên nhân khiến Công ty Chung Jye xin rút là do việc trình thẩm định dự án đầu tư chậm. Sau khi đánh giá, xem xét lại, công ty nhận thấy dự án này có nhiều rủi ro. Còn Công ty CP Nhà thép Đinh Lê không đầu tư hạ tầng CCN Long Xuyên nữa là do nhận thấy việc quy hoạch chồng chéo, nhiều khó khăn nếu tiếp tục đầu tư. CCN Long Xuyên hiện nay không còn phù hợp với quy hoạch được duyệt trước khi giao cho công ty này làm chủ đầu tư hạ tầng. Vì theo đề xuất đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 17B và cầu An Thái 2 của Sở Giao thông vận tải thì vị trí xây dựng, điều chỉnh cầu đi qua CCN Long Xuyên. Do vậy, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh cho phép nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng CCN Long Xuyên.
Trong văn bản xin rút đầu tư gửi các cơ quan chức năng, Giám đốc Công ty CP Nhà thép Đinh Lê cho biết: “Thời gian chờ điều chỉnh lại quy hoạch CCN Long Xuyên sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty. Hiện nay, có nhiều DN muốn đầu tư vào CCN này. Nếu công ty tiếp tục dự án đầu tư hạ tầng CCN thì việc đàm phán các khoản thu nộp phí hạ tầng, phí quản lý hạ tầng với các nhà đầu tư thứ cấp sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư dự án CCN của công ty cũng sẽ không bảo đảm hiệu quả kinh tế như dự án đã báo cáo UBND tỉnh”.
Bên cạnh những khó khăn trên thì DN còn phải đối mặt với hàng loạt các thủ tục hành chính rườm rà. Để hoàn thiện thủ tục, đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, DN phải làm việc với nhiều cơ quan khác nhau như các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút DN đầu tư hạ tầng CCN, bên cạnh việc kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn về chính sách, tỉnh cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ riêng đối với chủ đầu tư. Việc quản lý nhà nước đối với DN đầu tư vào CCN cần giao cho một đơn vị đầu mối. Ngoài ra, cần nghiên cứu, thành lập Ban Quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào CCN.
LAN NGUYỄN