Nhà báo Nhật Bản Takano Isao: "Tay cầm máy ảnh, còn ghi nắng chiều"

20/06/2023 16:30

Nhà báo Nhật Bản Takano Isao là một trong số phóng viên đã tới Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của nước ta và đã hiên ngang ngã xuống khi đang tác nghiệp ở Lạng Sơn, khi vừa 36 tuổi.


Di ảnh nhà báo chiến trường Takano Isao (ảnh tư liệu)

Nhân chứng quả cảm

Theo chỉ dẫn của một đồng nghiệp đang thường trú tại Lạng Sơn, tôi không mất nhiều thời gian để tìm được một ngôi mộ đặc biệt trong Nghĩa trang Liệt sĩ TP Lạng Sơn, hay còn gọi là Nghĩa trang Hoàng Đồng, trên đường Trần Đăng Ninh (TP Lạng Sơn). Đây là nơi an nghỉ của gần 500 anh hùng liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, khi quân bành trướng Trung Quốc tràn sang vào năm 1979.

Giữa không gian mênh mông những bia mộ liệt sĩ Việt Nam, ngôi mộ đặc biệt, với hình dáng đặc biệt và ở một vị trí đặc biệt trên bia mộ khắc dòng chữ: "Đồng chí ISAO TAKANO phóng viên Báo HAKAHATA (Nhật Bản) đã hy sinh tại thị xã Lạng Sơn ngày 7.3.1979". Ngôi mộ có 3 mặt, ốp đá màu đỏ với mũi nhọn vút lên trời. Phải chăng những người xây dựng mộ muốn rằng, nơi an nghỉ của ông giống như ngòi bút sắc nét viết lên bầu trời miền biên viễn, kể cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam năm đó? 

Sáu năm trước, nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong viết bài "Sự kiện 17/2 và nhà báo Takano"(*). Trong bài viết, ông kể ngay sau khi quân địch tấn công biên giới phía Bắc, ông là một trong những phóng viên của Báo Tiền phong đã lên biên giới, đến Lạng Sơn và trong chuyến công tác, ông đi sau xe chở nhà báo Takano. "Khi đó lính Trung Quốc vẫn đóng giữ bên kia cầu Kỳ Lừa. Chúng bắn như vãi đạn về phía chúng tôi. Đạn kêu chíu chíu, nổ ràn rạt trên đầu. Tôi nhìn về phía nhà báo Takano, thấy anh vẫn đứng, đưa ống kính lên hướng về phía bên kia cầu Kỳ Lừa, nơi quân xâm lược đang chiếm giữ. Người chỉ huy hình như cũng nhìn thấy nên hô to: Nằm xuống, nằm xuống! Nhưng, Takano vẫn đứng, vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của một nhà báo ở chiến trường, bất chấp hiểm nguy... Một loạt súng nổ chát chúa từ phía bên kia cầu Kỳ Lừa bắn sang. Tôi thấy Takano ngã xuống. Khi mọi người chạy đến, Takano đã bất tỉnh, máu chảy đầm đìa... Anh được xe cấp cứu chở về tuyến sau, chở vào bệnh viện, nhưng do bị thương quá nặng, mất nhiều máu nên anh đã hy sinh", nhà báo Dương Xuân Nam viết.


Cầu Kỳ Lừa, nay là cầu Kỳ Cùng (TP Lạng Sơn). Lúc hy sinh, ống kính của nhà báo Isao Takano vẫn hướng về phía quân bành trướng Trung Quốc ở bên kia cầu, đang vãi đạn về phía quân ta

Khi nhà báo Takano của Nhật Bản hy sinh, nhà thơ Huy Cận đã viết về ông, có câu “Tay cầm máy ảnh, còn ghi nắng chiều...”. Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương viết về ông trong bài hát "Takano - Nhân chứng quả cảm": Chân lý rồi sẽ toàn thắng, tình anh còn mãi nồng thắm. Đẹp thay tuổi xuân Takano!

Một người rất giỏi tiếng Việt

Khi nhà báo Takano hy sinh, có người cho rằng ông không biết tiếng Việt nên không hiểu tiếng hô "Nằm xuống, tất cả nằm xuống" của người chỉ huy. Nhưng không phải vậy, Takano từng là sinh viên Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1967-1971. Rất giỏi tiếng Việt nên nhiều người gặp ông còn tưởng ông là người Việt. Khi làm báo, ông đã tham gia đưa tin về chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến phía Bắc của Việt Nam, với tư cách đặc phái viên Báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Cũng trong bài báo, nhà báo Dương Xuân Nam viết, Takano hy sinh ở khu vực cầu Kỳ Lừa. Cây cầu ngày nay mang tên cầu Kỳ Cùng, bắc ngang sông Kỳ Cùng, gần trung tâm TP Lạng Sơn. Nghĩa trang Hoàng Đồng, nơi nhà báo Takano từng an nghỉ cách nơi ông hy sinh chừng 3 km.

Trước khi ngã xuống, nhà báo Takano cũng như các nhà báo quốc tế chân chính khác đã công bố cho thế giới biết về sự thật cuộc chiến tranh biên giới. Đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa do nhà cầm quyền Trung Quốc phát động để phục vụ mưu đồ bành trướng.

Tháng 6 - tháng của những người làm báo cách mạng Việt Nam và chúng ta không thể quên, 44 năm về trước, có người đồng nghiệp đến từ một đất nước xa xôi đã ngã xuống tại đất nước mình vì chính nghĩa. 


Ngôi mộ của nhà báo Takano Isao tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Lạng Sơn

(*): Bản gốc bài báo viết Tacano
Nhà báo Takano sinh năm 1943 tại TP Kobe. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra, ông được cử đến Lạng Sơn với tư cách phóng viên đặc vụ. Ông hy sinh để lại người vợ và đứa con thơ mới tròn 5 tuổi ở quê nhà Nhật Bản. Sau này, di cốt của ông đã được người vợ mang về chôn cất ở chân núi Zaou, tỉnh Miyagi (Nhật Bản). 

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Nhật Bản Takano Isao: "Tay cầm máy ảnh, còn ghi nắng chiều"