Viện kiểm sát cho rằng Chủ tịch địa ốc Alibaba chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của hơn 4.500 khách hàng nhưng không có tình tiết giảm nhẹ mới, nên đề nghị tòa y án chung thân.
Ngày 15.5, phiên xử xem xét kháng cáo của Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và vợ Võ Thị Thanh Mai (đang tại ngoại) cùng 13 đồng phạm khác về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; rửa tiền kết thúc phần thẩm vấn.
Nêu quan điểm, đại diện Viện kiểm sát (VKS) xác định Luyện đã thành lập 22 công ty rồi bán các dự án không có thật, chiếm đoạt hơn 2.466 tỷ đồng của khách hàng. Để thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo dùng các thủ đoạn gian dối, thực hiện theo quy trình 5 bước: thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; chuyển nhượng cho các pháp nhân do mình thành lập để lập dự án "ma"; quảng cáo không đúng sự thật về dự án; ký các hợp đồng hợp tác phân phối dự án sau đó chuyển nhượng cho khách hàng.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tranh thủ trao đổi với các bị hại trước giờ xử
Để khách hàng tin tưởng, Luyện cam kết sẽ mua, thuê lại đất họ đã mua với lãi suất cao. Thực tế, toàn bộ diện tích đất trong các dự án đều là đất nông nghiệp chưa được các cơ quan chức năng cấp phép dự án. Hành vi của Luyện và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, toàn bộ tiền đều chuyển về tài khoản do Luyện quản lý.
VKS đánh giá bản án sơ thẩm tuyên Luyện tù chung thân là tương xứng với hành vi, nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đối với bị cáo Thanh Mai, VKS cho rằng tại tòa phúc thẩm Mai cam kết nộp lại số tiền hơn 12 tỷ đồng rút ra từ tiền phạm tội mà có, nhưng chưa thực hiện, nên không có tình tiết mới. VKS đề nghị tòa y án sơ thẩm, tuyên phạt Mai 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12 năm về tội Rửa tiền (tổng hợp hình phạt 30 năm tù - mức án cao nhất của tù có thời hạn).
Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) và 5 bị cáo khác đã tự nguyện nộp một số tiền khắc phục hậu quả, nên VKS đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ cho 1-3 năm tù. Các bị cáo còn lại, do không có tình tiết giả nhẹ mới nên VKS đề nghị bác kháng cáo.
Đối với kháng cáo của 97 bị hại, người liên quan, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận tăng số tiền bồi thường của 31 người, số còn lại giữ nguyên án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa
Theo án sơ thẩm, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận bán cho người dân. Còn Thanh Mai, ngoài việc giúp chồng bán dự án "ma" còn chỉ đạo nhân viên kế toán chuyển 13 tỷ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp vào tài khoản của Lực rồi rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cuối tháng 12.2022, Nguyễn Thái Lực bị tuyên 27 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù; các bị cáo khác nhận 10-19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tòa buộc Luyện và Mai liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bị hại (được nêu chi tiết trong các phụ lục I, II của bản án) - tương đương 2.400 tỷ đồng. Sau phiên sơ thẩm Luyện cùng vợ kháng cáo kêu oan; 16 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, Luyện và Mai đều thay đổi kháng cáo sang xin giảm nhẹ hình phạt, 3 bị cáo khác rút đơn xin giảm nhẹ.
Theo VnExpress