Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định số 32 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương
Trước đó, Bộ Chính trị đã họp và thống nhất bổ sung tên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho biết qua thực tiễn không thể tách được tiêu cực với tham nhũng. Tham nhũng cũng là một dạng tiêu cực, tham nhũng có nhiều nguồn gốc do tiêu cực.
"Có thể cán bộ tiêu cực thì chưa tham nhũng nhưng tiêu cực là "mầm mống" dẫn tới tham nhũng. Có những cán bộ bị mua chuộc là một dạng tiêu cực, thực tế nhiều lãnh đạo quản lý bị mua chuộc, là chỗ dựa cho tham nhũng, không ra mặt nhưng đứng sau tiêu cực", ông Vũ Quốc Hùng cho biết thêm.
Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, hiện có nhiều tổ chức Đảng thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa tham nhũng. Nhưng chính việc tổ chức Đảng thiếu trách nhiệm đã để cho cán bộ tham nhũng ăn tàn, phá hại đất nước, để nội bộ mất đoàn kết cũng là dạng tiêu cực.
Ông Vũ Quốc Hùng nhận định việc bổ sung tên, trọng tâm điều hành của Ban chỉ đạo giúp cho Ban chỉ đạo hoàn thiện hơn công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Việc bổ sung tên có ý nghĩa bao quát, hoàn thiện trong công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng để thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trước đó, nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ 80 biểu hiện tiêu cực của 27 hình thức tiêu cực.
Theo quy định số 32, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.
Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Về nguyên tắc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Ban Nội chính trung ương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, có trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo và thường trực Ban chỉ đạo.
Về quyền hạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thành lập các ban chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc để trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Theo Tuổi trẻ