Nguyễn Nhật Ánh cho biết bật cười khi đọc lại đoạn văn tả cảnh đôi nam nữ "ăn cơm trước kẻng" trong truyện "Ngày xưa có một chuyện tình".
Ông hồi tưởng quá trình viết truyện Ngày xưa có một chuyện tình (phát hành năm 2016) dịp tác phẩm được chuyển thể thành điện ảnh. Nhắc đến cảnh "nóng" của đôi nhân vật chính, nhà văn cho rằng chi tiết này sẽ là thử thách với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khi đưa lên màn ảnh rộng.
Trong truyện, ông miêu tả: "Không rõ do Phúc, do tôi hay do nỗi đau khổ bất thần ập đến như sóng xô bờ mà hai đứa tôi ngã xuống chiếc vạt tre cũ kỹ và ọp ẹp trong chòi. Và những gì xảy ra tiếp theo hầu như đã vuột khỏi sự kiểm soát của tôi, lại có vẻ như tôi thuận tình làm thế thay cho một lời hẹn ước dài lâu. Đêm đó, giữa tiếng côn trùng rả rích, trong tiếng gió lao xao trên mái chòi, trong tiếng cỏ không ngừng xào xạc ở ruộng dưa bên ngoài, tôi đã trao cho Phúc tất cả, không so đo, không do dự, thậm chí cũng không hề nghĩ ngợi. Mọi chuyện diễn ra tự nhiên như thể tôi đang lặp lại theo trí nhớ điều mà thực ra tôi chưa từng trải qua".
Nhà văn nói đây là tác phẩm đầu tiên ông miêu tả cụ thể chuyện gần gũi nam nữ. "Bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy buồn cười vì không biết hai người họ đang làm gì. Tôi miêu tả chuyện đó một cách gián tiếp đến nỗi, nhiều bạn đọc nhỏ tuổi không hiểu làm sao mà họ lại có em bé", ông cho biết.
So với nhiều sách cùng đề tài như Mắt biếc, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc, trong Ngày xưa có một chuyện tình, nhà văn đi vào các tình tiết nhạy cảm hơn. Những vụng dại đầu đời được phát triển thành quan hệ yêu đương sâu sắc, trong đó có việc "ăn cơm trước kẻng", nhân vật nữ chính có thai và phải làm mẹ đơn thân. Nhà xuất bản Trẻ ban đầu dự tính gắn mác 16+ cho truyện, sau đó quyết định không giới hạn độ tuổi vì nhận định tác phẩm mang tính giáo dục cao.
Nguyễn Nhật Ánh không lo lắng khi tác phẩm được chuyển thể thành phim, vì sau khi sách viết xong và đến tay công chúng, nhà văn đã hoàn thành trách nhiệm. Tác giả cho rằng áp lực lúc này thuộc về đạo diễn nhiều hơn. "100 người đọc sẽ có 100 hình ảnh khác nhau, tùy trải nghiệm từng người. Đạo diễn cũng thế thôi, Trịnh Đình Lê Minh sẽ hình dung ra Vinh, Phúc, Miền theo cảm nhận, óc tưởng tượng của riêng anh", ông nói.
Phim đang trong giai đoạn tuyển diễn viên, dự kiến ra rạp năm 2024. Êkíp casting ba nhân vật chính: Phúc, Vinh, Miền ở giai đoạn thơ ấu (khoảng 12 tuổi) và trưởng thành (từ 17 cho đến 25 tuổi). Đạo diễn đặt tiêu chí chọn các gương mặt trẻ đem lại cho anh sự mới mẻ về diễn xuất.
Truyện Ngày xưa có một chuyện tình phát hành năm 2016, xoay quanh cuộc đời các nhân vật Vinh, Phúc và Miền. Cả ba cùng lớn lên ở một thị trấn miền Trung. Tình bạn đẹp của cả ba là mảnh đất cho tình yêu đâm chồi. Nhưng ở tuổi trưởng thành, các nhân vật bị đặt ở ngã ba đường. Họ phải trả giá cho sai lầm và phải lựa chọn một con đường để đến với hạnh phúc. Truyện từng bán hơn 100.000 bản, lọt vào top 10 tác phẩm best-seller của Nguyễn Nhật Ánh.
Sách Nguyễn Nhật Ánh từng nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh. Năm 1994, phim Áo trắng sân trường được ra mắt, do Lê Dân đạo diễn, dựa trên truyện Nữ sinh. Năm 2004, phim truyền hình Kính vạn hoa được ra mắt, với các diễn viên: Ngọc Trai, Tiểu Long, Anh Đào. Phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn, ra rạp vào năm 2015. Tác phẩm Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh cũng được đạo diễn này chuyển thể lên màn ảnh cuối năm 2019, đạt doanh thu 180 tỷ đồng.
Theo VnExpress