Nhiều người vẫn nghĩ SARS-CoV-2 tấn công vào phổi nhưng thực tế, virus còn phá huỷ hàng loạt cơ quan, đặc biệt gây tắc mạch. Đây cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân Covid-19.
Bộ Y tế cho biết đến sáng 14.8, tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước ta là 5.088 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỉ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 52 người tử vong do Covid-19).
Tại buổi tập huấn trực tuyến về phòng chống Covid-19 mới đây, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cho biết có khoảng 50-60% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng; 30% nhẹ giống cảm cúm thông thường; 10-15% cần hỗ trợ oxy và thuốc; 5-10% cần máy thở, lọc máu, ECMO.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy
"Lâu nay, nói đến SARS-CoV-2, hầu hết mọi người nghĩ virus tấn công phổi, gây tổn thương phổi. Tuy nhiên thực tế, virus còn tấn công hàng loạt cơ quan trong cơ thể. SARS-CoV-2 chui qua tế bào niêm mạc hô hấp, thông qua đó chuyển thông tin để chỉ huy các tế bào, tổng hợp thành phần và tái tạo ra nhiều virus mới, từ đó phá hủy tế bào cũ rồi theo đường máu đi khắp nơi. Do đó, Covid-19 không chỉ gây bệnh ở phổi mà gây bệnh toàn thân", GS Bình giải thích.
Theo GS Bình, các nghiên cứu trên thế giới đã tìm thấy virus trong thận, ruột non, não, tim, tuyến tụy, gan… Virus SARS-CoV-2 gây tổn thương các cơ quan theo 2 cách: thứ nhất, tấn công trực tiếp vào các cơ quan; thứ hai, gián tiếp qua cơ chế miễn dịch, làm tăng yếu tố kháng đông, giảm yếu tố giảm đông, cuối cùng hình thành huyết khối, kể cả mạch máu nhỏ và mạch máu lớn.
"Người ta phát hiện ra rằng ở phổi bệnh nhân Covid-19 có rất nhiều nơi bị tắc, không chỉ ở động mạch, mao mạch phế nang mà cả tĩnh mạch phổi. Cục máu đông của tĩnh mạch phổi sẽ theo dòng máu đi về tâm nhĩ trái, gây tắc mạch toàn thân. Điều đó giải thích vì sao Covid-19 gây huyết khối tắc mạch và đi khắp nơi từ não đến chân", GS Bình phân tích.
Gần đây các nhà khoa học phát hiện, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 bị tắc mạch khá lớn. Kết quả giải phẫu các bệnh nhân Covid-19 tử vong cho thấy tỉ lệ tắc mạch cao gấp 9 lần so với nhóm bệnh nhân mắc các virus giống như cúm. Do đó tắc mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong rất lớn ở bệnh nhân Covid-19.
GS Bình nhận định, trong đợt dịch đang diễn ra, tỉ lệ tử vong tại nước ta tăng có nguyên chính do quá tải. Trong một thời gian ngắn các cơ sở y tế tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân nên "không kịp trở tay". Vì vậy, để hạn chế tử vong cần hạn chế số lượng người nhiễm mới và hạn chế số lượng bệnh nhân nhẹ chuyển nặng.
GS Bình lưu ý, trong đánh giá bệnh nhân Covid-19, ngoài hô hấp, cần quan tâm đến tuần hoàn vì khoảng 15-20% bệnh nhân Covid-19 bị viêm cơ tim và tắc mạch, ngoài ra khoảng 5-10% tổn thuơng thận, tổn thương gan, có biến chứng trong não… Vì vậy vừa can thiệp oxy, vừa đảm bảo cả tuần hoàn, thần kinh, chống cơn bão cytokine, điều trị triệu chứng và điều trị các bệnh kèm theo.
Ông cũng khuyến cáo các bác sĩ, ngoài đánh giá tiêu chí về SpO2, chức năng phổi cần quan sát toàn thân, quan tâm đến ý thức, mệt cơ, nhịp thở, các phản xạ ăn uống của bệnh nhân, bởi thực tế đã có trường hợp thở oxy quá lâu đến nỗi mệt và ngừng thở.
GS Bình cũng cho rằng tại mỗi trung tâm hồi sức Covid-19 rất cần có các máy siêu âm để chẩn đoán phổi, cơ hoành, áp lực tim, chức năng tim, đo tĩnh mạch chủ dưới…
Tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân Covid-19 theo dõi sức khoẻ
Liên quan đến điều trị bệnh nhân Covid-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết qua phân tích dịch tễ khoảng 80% ca mắc không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, còn lại 20% là những người có biểu hiện vừa, trung bình, trong số này có 5% chuyển biến nặng và 0,5-1% diễn tiến rất nặng.
Để thích ứng với tình hình mới, trong hơn 3 tháng qua, Bộ Y tế liên tục cập nhật các chiến lược điều trị mới, bổ sung nhiều loại thuốc vào phác đồ.
Cụ thể, trước đây khi số lượng bệnh nhân ít, điều trị bệnh nhân Covid-19 được phân 3 tuyến: Nặng điều trị ở tuyến trung ương, trung bình ở bệnh viện tỉnh và nhẹ ở bệnh viện huyện. Sang giai đoạn hiện nay, Bộ Y đã xây dựng tháp điều trị mới nhằm giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.
Hiện Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện trên toàn quốc không phân biệt công, tư đều phải chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để tiếp đón bệnh nhân khi dịch Covid-19 lan rộng, song song điều trị các bệnh thông thường khác.
"Đây là một trong những chính sách nhằm đảm bảo người bệnh ở tất cả các tuyến khi nhiễm bệnh đều được tiếp cận từ tuyến y tế cơ sở đến các tuyến cao hơn", ông Khuê nhấn mạnh.
Để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân nặng, sắp tới Bộ Y tế sẽ cho xây dựng thêm các trung tâm hồi sức tích cực, nâng từ 12 lên 30 trung tâm trên toàn quốc, đảm bảo 2-3 tỉnh có một trung tâm. Nơi đây sẽ tập trung thầy thuốc giỏi, máy móc tốt, thực hiện được các kĩ thuật cao nhất.
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh cũng lưu ý, các gia đình, cơ sở y tế cần quan tâm đến tâm lý của người bệnh. Đây là vấn đề chưa được quan tâm thích đáng, nếu tâm lý không ổn định dễ chuyển nặng, đặc biệt ở nhóm trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, có 3 nguyên nhân khiến số lượng F0 tại TP Hồ Chí Minh tăng mỗi ngày: thứ nhất, do quá tải số lượng bệnh nhân, lần đầu tiên thành phố tiếp nhận một lượng F0 lớn như vậy; thứ hai, do đặc tính của chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa diễn biến nhanh, nhiều trường hợp trở nặng rất nhanh; thứ ba, do điều kiện chuẩn bị về trang thiết bị và con người tại một số đơn vị chưa thật sự đầy đủ nên người bệnh chưa được chăm sóc, điều trị với những điều kiện tốt nhất. Về chiến lược giảm tỉ lệ F0 tử vong, Thứ trưởng Sơn cho rằng cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, gồm: tăng cường nhân lực, nguồn lực, tăng cơ sở thu dung điều trị, phân tuyến điều trị, tăng cường theo dõi, điều trị tại nhà, tổ chức các đội phản ứng nhanh, cấp cứu kịp thời, yêu cầu tất cả cơ sở y tế phải mở cửa tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. |
Theo Người lao động