Trong quá trình làm quan, Nguyễn Mại luôn giữ tấm lòng trong sạch, đức độ. Đồng thời, ông cũng có tài xử án "như thần", xứng đáng được người dân xứ Đông tôn vinh là “Bao Công của nước Việt”.
Đình Ngô Đồng thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách thờ Thành hoàng làng Nguyễn Mại
Nguyễn Mại (1655 - 1720), người ở làng Ninh Xá tổng cao đôi, huyện Chí Linh, nay là thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng (Nam Sách). Dưới triều Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông ông được đánh giá là một vị quan tài giỏi. Những câu chuyện về ông, đặc biệt là tài xử án hầu hết được truyền miệng trong dân gian với nhiều dị bản khác nhau. Qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn, bạn đọc sẽ hiểu hơn về con người Nguyễn Mại.
Văn võ song toàn
Nguyễn Mại thi đỗ tiến sĩ vào năm Tân Mùi (1691). Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 31 ghi về thân thế của ông như sau: “Theo sử ký, Nguyễn Mại, người xã Ninh Xá, huyện Chí Linh, đậu tiến sĩ vào niên hiệu Chính Hòa, triều Lê Hy Tông. Ông là người có bản tính cương trực, tế nhị và hoạt bát, cưỡi ngựa giỏi và bắn cung tài, từng làm quan Phó đô Ngự sử...”.
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Mại được bổ nhiều chức vụ khác nhau như Thị lang bộ Lễ, Đốc trấn Cao Bằng, Trấn thủ Sơn Tây... Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 35, mặt khắc 18 ghi về ông như sau: “Bổ dụng Nguyễn Mại làm trấn thủ Sơn Tây. Lúc ấy, Đặng Đình Sở giữ trấn Sơn Tây thi hành chính trị một cách lỏng lẻo, trễ tràng, thành ra trộm giặc các nơi nổi dậy, dân bị tai hại. Đình Sở can tội bị giáng chức, triều đình mới bổ dụng Phó đô Ngự sử là Nguyễn Mại lấy chức thấp làm nhiệm vụ Trấn thủ Sơn Tây. Khi Mại đến trấn lỵ, thi hành chính lệnh nghiêm chỉnh, bèn được lãnh chức Chánh trấn thủ. Mại là người có sức mạnh, có trí lực, giỏi về việc cưỡi ngựa, bắn tên. Trước kia, Mại giữ công việc ở Lễ phiên, một hôm, đương bàn công việc ở phủ chúa, có con voi xổng chạy vào, mọi người đều sợ hãi bỏ chạy, duy chỉ có Nguyễn Mại tinh thần khí sắc không thay đổi, vẫn trình bày công việc như thường”.
Trong quá trình làm quan, ông luôn giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, xét xử nghiêm minh, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 35, mặt khắc 18 ghi về tài năng xử trí công việc của Nguyễn Mại. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Xét đoán như thần
Trong quá trình trấn thủ Sơn Tây, Nguyễn Mại được biết đến với tài năng xử án và xét đoán như thần. Mộc bản triều Nguyễn, sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 32 - 33 còn khắc ghi lại câu chuyện ông khảo xét người ăn trộm gà giữa chợ và việc xét tìm kẻ gian trộm đồ của ni cô trong chùa.
Vào khoảng giữa niên hiệu Vĩnh Thịnh (đế hiệu của Dụ Tông), Nguyễn Mại khi ấy đang trấn an ở vùng Sơn Tây. Một hôm, ông đi thị sát qua vùng chợ Gia Bình (Bắc Ninh), thấy một người đàn bà mất gà đang chửi bới om sòm. Ông liền quở mắng rằng: “Con gà đáng giá là bao mà chửi bới người ta tàn tệ đến thế?". Rồi ra lệnh cho mọi người trong làng phải tát vào má người đàn bà kia mỗi người một tát. Mọi người đều chỉ tát rất nhẹ, chỉ có một người tát mạnh mà thôi. Ông thấy vậy liền chỉ vào mặt người tát mạnh kia và nói rằng: “Đích thị mày là đứa lấy trộm gà của nó rồi, phải thú tội ngay đi”. Tên trộm gà phải lập tức phục tội và đem gà ra trả lại ngay cho chủ sở hữu.
Một lần khác, ông gặp một ni cô trong số các ni cô cùng tu tại chùa Sơn Vi kêu mất đồ đạc. Ông bèn ra lệnh thiết đàn khấn cúng, buộc các ni cô một tay phải cầm cờ phướn, một tay nắm một nắm lúa, đi vòng quanh đàn, miệng thì hô lên rằng kẻ nào gian thì lúa ở trong tay sẽ mọc mộng. Trong khi các ni cô đang diễu hành như thế thì ông bắt gặp một ni cô đang hé tay ra xem, ông liền đưa ra vặn hỏi. Quả đúng là thủ phạm và đã nhận tội.
Tài phát giác kẻ gian của ông đều là những mưu mẹo như thế. Từ đó, các viên thuộc cũng như nhân dân không ai dám gian dối nữa. Nghiêm lệnh của ông là cấm ngặt mọi hành động gian phi trộm cướp. Nhờ vậy mà tình hình ở địa phương rất yên ổn. Tiếng tăm ông về tài chính trị trội hẳn lên và đến tận tai vua. Vì vậy, ông lại được thăng chức Thị lang bộ Lễ, chính trấn thủ Sơn Tây.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 27, mục nhân vật Hải Dương, khi nói về tài xử án của Nguyễn Mại đã ghi lại rằng: “Nguyễn Mại, người ở huyện Chí Linh... ra trấn thủ Sơn Tây, có chính tích đặc biệt, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt...”.
Tiếc rằng, với bản tính cương trực, không hề e sợ cường quyền của mình, tuy rằng ông được chúa Trịnh sử dụng nhưng cũng vì thế mà ông bị hãm hại. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 33 ghi về cái chết của ông rằng: “Tương truyền vì bản tính cương trực, nên có một lần Nguyễn Mại đã làm cho chúa Trịnh Cương phát khùng. Trịnh Cương mới cho mời ông vào phủ giết đi, nhưng lại giữ bí mật câu chuyện, nói là ông ngộ bệnh bất thình lình mà chết, rồi cho xe đưa xác về nhà ông”.
Có thể nói, qua những thông tin về Nguyễn Mại được khắc trên mộc bản triều Nguyễn, cho thấy ông là một vị quan luôn giữ một tấm lòng trong sạch, đức độ, thanh liêm, sáng suốt. Ông xứng đáng được người dân xứ Đông tôn vinh là “Bao Công của nước Việt”.
THƠM QUANG