Nguyến Khuyến sinh năm 1835 và mất 1909, là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là nhà thơ, ông còn là một nhà cải cách hành chính và chống tham nhũng.
Dưới thời vua Tự Đức, đất nước gặp nhiều khó khăn, nạn tham nhũng, quan liêu hoành hành mà nhà vua và triều đình chưa tìm được phương cách để cải tạo. Để tìm nhân tài hiến kế cho đất nước, vua Tự Đức đã trực tiếp ra đề thi đình năm Tân Mùi (1807) với nội dung: "Trẫm thường đọc sách luận ngữ đến chỗ Tử Công hỏi về chính sự, Khổng Tử nói rằng: đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy. Nhân nghĩ công việc hiện nay không có gì quan trọng hơn điều đó, mà muốn thực hiện được điều đó thì việc chọn hiền tài là quan trọng hơn cả. Trẫm lại từng đêm ngày lo nghĩ mà chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đông đảo kẻ sĩ các ngươi lúc xuất thân ắt hẳn có sở học kinh bang tế thế. Vậy thì việc thiết thực như vậy, suy từ cổ chí kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để có công hiệu hãy nói hết cho trẫm...".
Là người sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng, có kiến thức uyên thâm, Nguyễn Khuyến từng hiểu rõ nỗi khổ của dân và sự hống hách, chuyên quyền, ăn hối lộ của bọn quan lại nên trong bài thi của mình, ông đã thẳng thắn nêu lên tình trạng tham nhũng, lãng phí đang phát triển từ chốn thôn dã đến kinh thành như một bệnh dịch. Thêm vào đó, trong bộ máy hành chính của triều đình nảy ra lệ biếu xén, đút lót để được thăng quan tiến chức. Nhiều lần triều đình đã phải sa thải bớt người hay cắt cử người đi nơi khác thì bọn quan lại quen thói tập hợp nhau lại để xin xỏ, nài nỉ, rốt cuộc phải nửa chừng đình chỉ. Xét ra, bọn quan lại chỉ có việc trông coi việc sổ sách, tư trát mà thôi, chờ dịp là đục nước béo cò, lo mưu béo thân. Sau khi nêu lên được thực trạng của đất nước, Nguyễn Khuyến đề xuất với vua: "Thần xin rằng từ nay, những tập tục xa xỉ, ăn mặc xa hoa, con em lười nhác, cường hào bóc lột... nhất thiết phải cấm hết và cấm một cách dứt khoát, còn ở nha môn, trong kinh ngoài tỉnh, tùy ở chỗ nhiều việc, chỗ ít việc thì giảm quân số đi...".
Ông cũng không ngần ngại vạch trần nạn tham nhũng trong quân đội triều đình: "Nhà của viên quản suất cũng đều do người lính cung cấp từ than củi, đèn dầu, đòi hỏi không bao giờ chán... Ngày thường đã lấy đút lót làm sa ngã ý chí của binh lính thì lúc lâm nguy thì làm sao có thể lấy kỷ luật mà răn họ được...".
Ông còn thẳng thắn chỉ ra rằng: "Thực ra xe không tiến lên vì ngựa không chịu đi, chính sự không tiến lên nổi vì người không chịu làm việc". Ông khẳng định thiên hạ chưa hết nhân tài mà vì phép tuyển cán bộ có điều chưa "tận thiện". Đường vào cửa quan cần ngăn chặn bọn dùng tiền bạc để mua quan chức...”.
Ông viết về tiêu chuẩn cán bộ: "Ai mà thứ bậc chưa đến, dù liêm chính mấy cũng phải tra cứu thêm và phải có tư cách. Cứ 5 năm một lần đặc cách chọn một viên đại thần thanh liêm, cần mẫn, giỏi giang sang làm chức thanh tra cán bộ. Viên này đi thăm hỏi khắp nơi, người bất tài thì bị truất xuống, người tài giỏi thì được bổ nhiệm chức cao hơn. Quan trên ai cất nhắc không đúng, hoặc có người hiền tài mà không cất nhắc, cũng xin xử lý thích đáng. Làm như vậy thì người liêm khiết có sự khuyến khích, người tham ô có sự răn đe mà điều uất ức của dân cũng được thấu lên trên...".
Chính vì những dòng tâm huyết uyên thâm ấy mà Nguyễn Khuyến đã đậu Hoàng Giáp đình nguyên. Đây không phải là vinh quang của người thi đậu kỳ thi mà cao hơn, đó là tấm lòng, là nhân cách của một nhà nho yêu nước với tư tưởng canh tân làm người đời sau kính phục.
NGUYỄN NHÂN