Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn bị viện kiểm sát đề nghị mức án thấp hơn khung truy tố.
Sau một ngày xét hỏi, sáng 18.4, đại diện viện kiểm sát đã công bố bản luận tội đề nghị mức án đối với bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn (cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) và 11 người khác trong vụ án nâng khống giá vật tư y tế.
Viện kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù với ông Tuấn về tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là mức án thấp hơn so với khung hình phạt ông Tuấn bị truy tố từ 10-20 năm tù.
Khác với hình ảnh đi dép tổ ong trong phiên tòa hôm qua, bác sĩ Tuấn hôm nay ra tòa mặc chiếc áo sơ mi sáng màu, chân đi giày da.
Ngồi ở hàng ghế đầu tiên, hai bàn tay đan vào nhau để trước bụng, ông Tuấn luôn cúi đầu trong suốt gần một tiếng nghe viện kiểm sát luận tội.
Các thuộc cấp của ông Tuấn tại Bệnh viện Tim Hà Nội bị đề nghị mức án: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc) từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu kế toán trưởng) 24-30 tháng tù; Đoàn Trọng Bình (cựu phó phòng vật tư) 30-36 tháng tù; Nguyễn Tuấn Linh (cựu phó phòng vật tư) 36-42 tháng tù.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất 24 tháng tù treo, cao nhất 4 năm tù.
"Điển hình trong móc ngoặc lợi ích nhóm"
Đại diện cơ quan công tố tại tòa đánh giá vụ án "thổi giá" thiết bị vật tư y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội là một "điển hình trong móc ngoặc lợi ích nhóm".
Ông Nguyễn Quang Tuấn đã làm trái quy định, vi phạm đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát ký gửi vật tư y tế để bệnh viện sử dụng trước.
Sau đó hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu rút gọn và ký quyết định để hai công ty trúng gói thầu đấu thầu rộng rãi năm 2016 cùng bốn gói chỉ định thầu năm 2017.
Giá vật tư, hóa chất đưa vào bệnh viện được thanh toán theo đơn giá thỏa thuận trước đó giữa ông Tuấn và doanh nghiệp, bản luận tội quy kết.
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của hai công ty này, ông Tuấn và cấp dưới đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Đại diện viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo
Nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã thông đồng với bị cáo tại Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát để thực hiện nhiều sai phạm từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng stent và các vật tư khác mà doanh nghiệp sẽ bán cho Bệnh viện Tim Hà Nội.
Đến năm 2017, ông Tuấn và cấp dưới tiếp tục hợp thức thủ tục chỉ định thầu đối với bốn gói chỉ định thầu rút gọn, sử dụng đơn giá vật tư của gói thầu năm 2016 để thanh toán hàng ký gửi...
Tổng thiệt hại của vụ án theo cáo buộc là gần 54 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn đặc biệt ăn năn
Từ các dẫn chứng trên, viện kiểm sát cho rằng tài liệu chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy việc truy tố xét xử ông Nguyễn Quang Tuấn là hoàn toàn đúng.
"Ông Tuấn là người lãnh đạo cao nhất, có hiểu biết trong chuyên môn và công tác đấu thầu, giữ vai trò chủ mưu chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện sai phạm nhiều lần, thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài.
Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại gần 54 tỉ đồng", bản luận tội quy kết.
Từ những lập luận trên, viện kiểm sát cho rằng cần hình phạt nghiêm khắc với ông Nguyễn Quang Tuấn.
Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án, ông Tuấn được đánh giá là thành khẩn, nộp số tiền hưởng lợi, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đặc biệt tại phiên tòa thể hiện sự ăn năn...
Do đó viện kiểm sát đề nghị mức án thấp hơn khung truy tố đối với ông Tuấn "để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm bản thân".
Những người còn lại bị đánh giá vì động cơ khác nhau đã thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, cùng gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 54 tỉ đồng.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, ông Tuấn thể hiện sự ăn năn khi thừa nhận những sai phạm như cáo trạng truy tố. Ông Tuấn trả lời các câu hỏi của tòa với giọng nhỏ nhẹ, luôn cúi đầu mỗi lần nói "bị cáo xin nhận trách nhiệm".
Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn không ít lần ông khẳng định "không vụ lợi, không được thỏa thuận ăn chia gì từ việc vật tư bị chênh giá".
Ông thừa nhận chỉ định thầu là sai nhưng "không còn cách nào khác" vì "trong tình thế cấp bách bệnh viện có nguy cơ đóng cửa do thiếu vật tư".
Ông thừa nhận việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước là sai quy định và khẳng định "tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm".
Theo Tuổi trẻ