Nguyễn Đình Thi viết "Người Hà Nội"

29/08/2010 14:30

Nguyễn Đình Thi viết "Người Hà Nội" vào đầu năm 1947, gần dịp Tết. Khi tại Thủ đô Hà Nội đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân và dân Thủ đô với thực dân Pháp xâm lược. Trên các ngả đường ở Thủ đô Hà Nội, chiến lũy được dựng lên khắp nơi và những đội quân cảm tử sẵn sàng cho Tổ quốc quyết sinh.

 Nguyễn Đình Thi cùng nhà văn Thép Mới rời Hà Nội ra ngoại thành đúng vào đêm 19 tháng Chạp, tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Ông ra đi khi phía sau lưng là tiếng súng nổ và Hà Nội đang rực cháy, khói lửa ngập trời.

Trong ngôi nhà Nguyễn Đình Thi nghỉ ở làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, có một chiếc đàn pi-a-nô của đồng bào tản cư bỏ lại vì hỏng. Ông ở đấy và hằng ngày Hà Nội vẫn đang chiến đấu với quân thù. Một buổi tối, Nguyễn Đình Thi ngồi đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu ông vọng lên những nhịp pháo gầm, những tiếng súng nổ và cảnh tượng bầu trời Hà Nội rực cháy cứ hiển hiện trở lại. Tứ nhạc cứ thế tuôn chảy...

Có điều, mở đầu bài hát không phải cảnh Thủ đô Hà Nội ngập trong máu lửa, mà là một Thủ đô tươi sáng, mượt mà, một Thủ đô của ngàn năm văn vật: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu! ". Lời nhạc cứ thế ngân lên mềm mại, uyển chuyển, gieo vào lòng người nghe điều gì đó thật linh thiêng, tự hào với những cái tên của Thủ đô trong quá khứ. Đó là khúc dạo đầu êm đềm, mang ý nghĩa lịch sử về một Thủ đô của niềm kiêu hãnh, một Thủ đô cổ kính tồn tại từ ngàn năm nay. Giờ đây, Thủ đô đang ngập trong máu lửa và hừng hực lòng căm thù, sục sôi ý chí quyết chiến quyết thắng. Sau chuỗi âm thanh "Hà Nội mến yêu” kết thúc đoạn mở đầu, âm thanh đột ngột chuyển hướng vút lên "Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo! Hà Nội vùng đứng lên!". Điệp khúc "Hà Nội vùng đứng lên" được lặp lại như khẳng định ý chí không gì lay chuyển được của quân dân Thủ đô Hà Nội, là niềm kiêu hãnh, tự hào mà ông dành cho "Người Hà Nội" anh dũng, quật cường."Người Hà Nội" đang chiến đấu vì một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, một Hà Nội vàng son với "Nước Hồ Gươm xanh thắm, bóng Tháp Rùa êm ấm, Hồng Hà tràn đầy...". Rồi "Những cửa đầu ô, tíu tít gánh gồng, ô chợ Dừa, ô chợ Dền, xen lẫn làn áo xanh nâu. Một Hà Nội tươi thắm... quanh co rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai...". Tình cảm thiết tha, sắt son đối với Hà Nội và "Người Hà Nội" tạm quên đi một "Hà Nội đẹp sao", một "Hà Nội vui sao" để bước vào cuộc kháng chiến theo lời hiệu triệu của người Cha già dân tộc. Trời Hà Nội giờ đây đang "đỏ máu", đang ầm ầm rung trong tiếng thét xung phong, tiếng súng diệt thù: “Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng. Bùng cháy khắp phố ta ơi! Vùng lên chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu. Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi dưới gót giày”...

"Người Hà Nội" là bài hát được tác giả viết dưới nguồn cảm xúc tự nhiên khá tự do. Đan xen trong dòng chảy cảm xúc bài hát là những cảnh của quá khứ và hiện tại; giữa những hình ảnh của một Thủ đô yên vui, ríu rít tiếng cười và một Thủ đô trong chiến tranh khói lửa. Sự đan xen đó đem đến cho người nghe những cung bậc tình cảm phong phú, những cảm xúc đa chiều.

Khi viết xong phần đầu bài hát, Đài phát thanh biết và mời tác giả về hát trên phát thanh. Năm 1948, ông viết xong đoạn "Ngày về", được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phối khí cho một dàn nhạc dây và bài hát được biểu diễn lần đầu cũng vào năm 1948 ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Năm 1951, bài hát được biểu diễn ở Béc-lin tại Liên hoan thanh niên thế giới.

Đoạn "Ngày về" là khúc ca khải hoàn của cả dân tộc. Trong đó, sự hiện diện bằng hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nổi bật là đôi mắt sáng và mái tóc bạc phơ của Người cùng với một nụ cười - nụ cười của cả nước non và nụ cười của người Cha vĩ đại: "Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuộn lòng người. "Đoàn quân Việt Nam đi..." Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao... Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười".

Nên nhớ rằng, khi Nguyễn Đình Thi sáng tác "Người Hà Nội", Hà Nội lúc đó vẫn đang chìm trong máu lửa. Vậy mà, lãng mạn thay, tác giả vẫn dự báo, tin tưởng tới một ngày Hà Nội ngập tràn trong niềm vui chiến thắng, một ngày Hà Nội rập cờ vàng sao cùng đón Bác trở về.Nguyễn Đình Thi viết "Người Hà Nội" lúc đó ông mới 23 tuổi.

Từ khi ra đời đến nay, "Người Hà Nội" luôn được mọi thế hệ đón nhận và mến mộ bởi giá trị của bài hát viết về Thủ đô Hà Nội. Có nhiều người có thể không biết đến cái tên Nguyễn Đình Thi, nhưng chắc chắn ai cũng biết, cũng ưa thích "Người Hà Nội". Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người sáng tác mà không có niềm vinh quang nào có thể thay thế.

TRƯƠNG VĂN TIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Đình Thi viết "Người Hà Nội"