Văn chương ấy không phải là hư văn, mà thúc đẩy dấn thân, có trách nhiệm với cuộc sống của mình và xã hội.
Sách "Tả truyện" viết: "Thái thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn" (Trước hết, cao nhất là thành tựu đạo đức, sau là làm nên công trạng, sau nữa là để lại lời hay được truyền tụng). Lập đức như cái cây, lập công như cái quả, lập ngôn như cái hạt để truyền lại đời sau. Lập đức tức xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng phép tắc trị nước là việc của bậc thánh nhân; lập công là việc của người anh hùng; lập ngôn là việc của kẻ sĩ.
Nguyễn Công Trứ sinh ngày 1.11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39, tức ngày 19.12.1778. Ông là người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Nguyễn Công Trứ thuở nhỏ tên là Củng, nghĩa chữ Hán là củng cố vững vàng. Trứ, nghĩa chữ Hán là làm sáng rõ (cái đức lớn). Nguyễn Công Trứ không chỉ làm sáng tỏ đạo đức thánh hiền mà còn dựng nên một nền tảng đạo đức mới, coi trọng quyền sống của con người cá nhân, đề cao bổn phận đối với đất nước và nhân dân.
Năm 1803, nhân Gia Long ra Bắc, ông dâng 10 kế sách làm cho nước thái bình. Lập đức, còn có nghĩa là nêu gương về sự làm quan liêm khiết. Ông giữ chức tổng đốc nhiều tỉnh, thượng thư hai bộ, nhưng nhà vẫn thường nghèo như thuở nho sinh.
Về hưu, ngoài lương hưu, ông được Tự Đức thưởng cho 170 quan tiền, bèn mở tiệc mời đồng liêu và bạn hữu chén sạch. Ông ghét nhất bọn quan dốt, quan tham. Về công trạng, ông đã đánh đuổi quân Xiêm, đánh dẹp các cuộc bạo loạn để ổn định chính trị, lập nên huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) và một tổng của huyện Giao Thủy (Nam Định).
Về lập ngôn, ông để lại những áng văn chương bất hủ. Người Việt Nam, hầu như đều thuộc ít nhất hai câu thơ của ông: "Đã mang tiếng đứng trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông" và "Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo".
Văn chương ấy không phải là hư văn, mà thúc đẩy dấn thân, có trách nhiệm với cuộc sống của mình và xã hội.
Làm một việc đã khó. Ba việc gồm đủ như Nguyễn Công Trứ thật kỳ vĩ!
NGỌC THANH (st)