Xông hơi được y học cổ truyền sử dụng như một phương pháp để chữa trị nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi mang nhiều tác hại cho cơ thể.
Khách sạn Hữu Nghị - nơi anh Nguyễn Hồng Đức bị bỏng khi xông hơi
Nguy hiểm rình rập
TP Hải Dương có khá nhiều điểm xông hơi - massage nhưng chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cho khách. Vụ khách hàng bị bỏng khi xông hơi xảy ra tại khách sạn Hữu Nghị, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) gần đây là một ví dụ điển hình.
Vào lúc 16 giờ, ngày 21.7, anh Nguyễn Hồng Đức (36 tuổi) ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đi cùng bạn vào khách sạn Hữu Nghị để xông hơi. Khoảng 30 phút sau, nhân viên khách sạn không thấy anh Đức ra, vào kiểm tra thì phát hiện anh Đức nằm bất tỉnh ở phòng xông hơi trong tình trạng bị bỏng toàn bộ vùng mặt, đùi, cánh tay, ngực. Sau 20 ngày điều trị ở Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), anh Đức tử vong.
Trước đó, ngày 20.10.2014, Công an huyện Bình Giang nhận được tin báo tại một nhà nghỉ thuộc xã Thái Học (Bình Giang) có một nam thanh niên tử vong trong phòng xông hơi, trên người xuất hiện nhiều vết bỏng. Nạn nhân là anh Phạm Văn Đức (25 tuổi) ở khu 3, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). Dù đã được nhân viên đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong trước đó.
Hầu hết các phòng xông hơi - massage hiện nay ở TP Hải Dương đều có diện tích khá nhỏ, riêng phòng xông hơi chỉ rộng từ 1-2m2. Hệ thống xông hơi đơn giản, gồm 1 ống xông hơi bằng kim loại được bọc cách nhiệt, nối với một hộp đựng bằng kim loại trong có đựng một số loại thảo dược. Để sử dụng hệ thống xông hơi này, người dùng phải dùng tay xoáy hoặc điều chỉnh cần gạt để hơi thoát ra. Sau khi xông hơi, hầu hết các nhân viên vẫn yêu cầu khách tắm tráng lại một lần trước khi lên bàn massage. Việc này là đi ngược với quy trình của phương pháp xông hơi.
Say rượu vẫn xông hơi
Phòng xông hơi thường khá nhỏ, trang thiết bị rất thô sơ nên rất dễ xảy ra tai nạn
Cuối tháng 8 vừa qua, nhóm của anh Hà Văn H. (25 tuổi) ở phường Tứ Minh sau khi ăn nhậu khá say đến một khách sạn trên đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) để xông hơi. Nhân viên bố trí phòng xông hơi cho anh H. diện tích khoảng 10 m2 bao gồm cả phòng xông hơi, bồn tắm và bàn massage. Dù đã nhận phòng nhưng gần 5 phút sau mới có nhân viên đến hướng dẫn anh H. xông hơi. Tuy nhiên, nhân viên không đưa ra lời khuyến cáo nào khi anh H. đang say rượu. Khi anh H. vào xông hơi cũng là lúc nhân viên này đi ra ngoài.
Thành thói quen, anh H. thường đến xông hơi khi đã ngấm men say. Theo anh, khi xông hơi sẽ giúp anh toát mồ hôi và đào thải rượu, bia ra ngoài cơ thể khiến anh tỉnh táo hơn. “Từ bé do hay bị cảm tôi thường được bà nội giải cảm bằng cách xông hơi. Phương pháp này rất hữu hiệu vì chỉ cần một lần điều trị là tôi khỏi ngay. Hiện tại, tôi thường đi xông hơi sau khi đã uống rượu, bia say vì nó giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn”, anh H. cho biết.
Anh Nguyễn Văn Tuyến (30 tuổi) ở huyện Bình Giang cũng thường xuyên đi xông hơi sau khi luyện tập thể thao với cường độ cao. Theo anh Tuyến, xông hơi sau khi luyện tập thể thao sẽ giúp thư giãn các cơ và nhanh phục hồi thể lực. Anh Tuyến cho biết: "Mỗi tháng tôi thường đi xông hơi từ 2-3 lần, đặc biệt sau khi tập gym hay đá bóng. Xông hơi không chỉ giúp đào thải độc tố trong cơ thể mà còn giúp tôi giảm lượng mỡ khiến cơ săn chắc hơn". Sau khi xông hơi, anh Tuyến thường có thói quen tắm lại bằng nước lạnh cho tỉnh táo.
Theo bác sĩ Trần Thị Nga, Trưởng khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện đa khoa tỉnh), những người đã uống rượu, bia; người có bệnh lý về tim mạch, tập luyện thể thao với cường độ cao thì không nên xông hơi ngay. Sau khi xông hơi, tuyệt đối không tắm bởi các lỗ chân lông nở ra sẽ hút nước. Việc tắm ngay sẽ làm các lỗ chân lông co lại, giữ nước gây ứ trệ, lưu thông máu kém khiến cơ thể bị đau nhức, nhiễm cảm, đặc biệt là tạng phổi.
Trong y học cổ truyền, xông hơi là một biện pháp trị cảm, phong hàn hữu hiệu. Khi xông hơi các mạch máu dưới da sẽ giãn ra giúp máu lưu thông tốt hơn. Xông hơi còn giúp bài tiết mồ hôi, đào thải các loại độc tố ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, tinh dầu của các loại thảo dược sẽ giúp sát trùng đường hô hấp khiến người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn. Tuy nhiên hiện nay nhiều người lại lạm dụng xông hơi như một biện pháp giúp giải rượu, giải bia... Tuy nhiên, những người vừa làm việc nặng hay luyện tập thể thao với cường độ cao, cơ thể yếu, mệt và đặc biệt nếu đã sử dụng rượu, bia, hay có bệnh lý về tim mạch thì tuyệt đối không nên xông hơi. |
ĐỖ QUYẾT