Nguy cơ nhiễm độc hóa chất sau thảm họa cháy rừng tại Maui

16/08/2023 18:45

Theo cảnh báo từ các quan chức y tế địa phương, các vụ cháy rừng ở Maui (Hawaii, Mỹ) đã thải lượng lớn các hóa chất độc hại vào không khí và nước, có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng, lâu dài cho sức khỏe.


Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Kula, Hawaii, Mỹ, ngày 13.8.2023

Giới quan chức y tế Hawaii nêu rõ tro và bụi từ hàng nghìn tòa nhà bị thiêu cháy có thể chứa các hóa chất độc hại như chì và amiăng. Thạch tín từng được sử dụng trong thuốc diệt cỏ ngấm trong đất cũng sẽ độc hại tới sức khỏe con người.

Đài NBC News lưu ý cộng đồng sinh sống tại thành phố bị ảnh hưởng nặng nề Lahaina đặc biệt gặp rủi ro vì nhiều tòa nhà lịch sử tại nơi đây được xây dựng trước khi amiăng bị loại bỏ vào những năm 1970. “Những thứ như chì và amiăng đứng đầu danh sách hóa chất độc hại”, nhà độc chất học bang Hawaii Diana Felton cho hay. Những hóa chất này có trong sơn và vật liệu xây dựng các tòa nhà. Khi hỏa hoạn xảy ra, ngọn lửa không thực sự phá hủy các chất đó và những chất này đọng lại trong tro bụi.

Cơ quan Y tế Hawaii cũng cảnh báo người dân địa phương đeo lại khẩu trang N95 khi quay lại vùng đất bị thiêu trụi trong cháy rừng. “Khẩu trang vải chỉ bảo vệ người dân một phần khỏi tro bụi. Thay vào đó, mọi người cần đeo khẩu trang N95 khi quay lại dọn dẹp. Chúng là những công cụ bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, các bạn vẫn có thể sử dụng khẩu trang chống sơn, bụi hay dùng trong phẫu thuật”, thông báo của cơ quan y tế Hawaii cho biết hơn 5.000 chiếc khẩu trang N95 đã được cung cấp cho người dân Maui và những người đang trú ẩn sơ tán.

Cơ quan này cũng đang phối hợp với các bên để có thể cung cấp quần áo bảo hộ dùng 1 lần để người dân có thể mặc khi hoạt động ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News vào ngày 13.8, Thống đốc Hawaii Josh Green cho biết các đám cháy ở thành phố lịch sử Lahaina rất nóng, có thể làm cháy kim loại.

Lahaina và các khu vực xung quanh có nguy cơ cao tiếp xúc với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, những nhóm hóa chất làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư, suy giảm nhận thức và dị tật bẩm sinh - xâm nhập vào không khí khi cao su, kim loại hoặc nhựa bị đốt cháy. Khi được hít vào người, các hạt này có thể đi vào phổi và trong một số trường hợp là vào máu.

Tiến sĩ Anthony Gerber, nhà nghiên cứu phổi tại Văn phòng Đổi mới Nghiên cứu Trung tâm Y tế Quốc gia ở Colorado, ước tính: “Có lẽ một số lượng lớn người đã bị phơi nhiễm như vậy ở Maui”.

Cơ quan An toàn Nước Maui cũng đã đưa ra cảnh báo nước không an toàn vào cuối tuần qua đối với các khu vực của Kula và Lahaina. Cơ quan này cảnh báo người dân không uống hoặc đun sôi nước, vì nó có thể chứa benzen và các hóa chất hữu cơ dễ bay hơi khác. Những người sống sót nên tránh bể bơi và bồn tắm nước nóng, hạn chế tắm vòi sen và tắm ở nhiệt độ ấm.

Tiến sĩ Rosalind Wright, bác sĩ nhi khoa tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, New York, cho biết mối đe dọa về việc tiếp xúc với hóa chất vẫn sẽ tồn tại nếu như tro và gạch vụn không được dọn sạch.

“Dọn dẹp tất cả những thứ này một cách kịp thời sẽ hữu ích. Không chỉ không khí, các chất độc hại còn thấm vào đất, nước”, Tiến sĩ Rosalind Wright nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ, thảm họa cháy rừng ở Hawaii gây thương vong nặng nề nhất ở Mỹ kể từ năm 1918, thời điểm có 453 người thiệt mạng ở bang Minnesota và Wisconsin. Con số thương vong do thảm họa ở Hawaii đã vượt quá con số thương vong 86 người trong thảm họa cháy rừng hồi năm 2018 ở bang California.

Hiện vẫn còn khoảng 1.300 người mất tích. Nỗ lực đưa người dân trở lại thị trấn Lahaina gặp khó khăn trong ngày 14/8 khi hệ thống chỉ dẫn xác định những người được phép đi lại đã tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, sự đình trệ trong công tác khôi phục đường dây liên lạc bằng điện thoại di động đã khiến những người đi sơ tán không thể liên lạc được với người thân của mình.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ nhiễm độc hóa chất sau thảm họa cháy rừng tại Maui