Việc người dân sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt là máy sấy quần áo, máy hút ẩm không thận trọng sẽ vô tình biến những thiết bị này thành "quả cầu lửa" ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong tháng 2, 240/449 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao nhất với 169 vụ, chiếm 70,4%.
Nhu cầu sử dụng thiết bị điện gia tăng trong thời tiết nồm, ẩm đặc biệt là máy sấy quần áo, máy hút ẩm cộng thêm sự bất cẩn của người dân là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ nếu sử dụng thiết bị điện không đúng cách.
Những ngày qua, các loại máy sấy quần áo loại rẻ tiền đang được người dân tìm mua trên thị trường. Đây là thiết bị không chuyên dụng do nhà sản xuất “chế” với mô tơ quạt gió gắn sợi đốt nóng và tủ quây bằng khung sắt, vải bạt dùng vào việc sấy khô quần áo.
Thiết bị này tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao khi sử dụng bởi quần áo móc phía trên và máy làm nóng để phía dưới theo kiểu “xông khói.” Trong thời gian sấy không để ý, quần áo có thể rơi xuống máy và gây cháy thiết bị dẫn đến cháy nhà.
Đối với những thiết bị điện rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng có nhiều nguyên nhân gây đến cháy, nổ từ máy sấy quần áo phổ biến khác có thể kể đến như: Không vệ sinh máy sấy thường xuyên, bộ phận điều khiển bị hỏng, bỏ quên vật dễ cháy nổ trong quần áo…
Việc cháy, nổ từ các thiết bị điện không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng con người. Vì vậy, để hạn chế cháy, nổ khi sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt là máy sấy, máy hút ẩm trong mùa nồm, ẩm Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) khuyến cáo người dân những việc làm sau để bảo đảm an toàn:
Quần áo trước khi cho vào sấy phải được vắt khô để tiết kiệm điện và bảo đảm an toàn vì trong quá trình sử dụng, quần áo được vắt khô sẽ làm tăng khả năng cách điện. Đặc biệt, người dân lưu ý không cho quần áo dính dầu mỡ vào trong máy sấy.
Trước khi giặt sấy, cần kiểm tra túi quần áo, loại bỏ các vật dụng như: đinh, kẹp, bút, bật lửa… vì nó sẽ gây hỏng máy, tạo phản ứng dẫn đến cháy. Không nên đặt máy trong môi trường ẩm ướt như nhà tắm, tránh chỗ chơi trẻ con và không được đặt các vật dễ cháy ở gần (cách tường ít nhất 10-15cm; khoảng cách sàn 80cm).
Bên cạnh đó, thời tiết ẩm thấp có thể làm ngưng tụ nước tại các bản mạch, thậm chí ẩm ướt lâu ngày có thể tạo giọt chảy vào các ổ điện gây giật hoặc chập cháy bất cứ lúc nào. Do vậy, các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra thiết bị điện như: bình nóng lạnh, tủ lạnh, bếp từ…
Để bảo đảm an toàn, người dân nên kiểm tra thiết bị kỹ càng trước khi sử dụng, vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị điện định kỳ, đặc biệt đối với bình nóng lạnh cần tắt công tắc điện sau đó mới tắm, tránh điện rò rỉ gây tai nạn và cháy, nổ.
Khi xảy ra cháy, nổ người dân cần hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết, đồng thời gọi điện cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số 114 hoặc chính quyền nơi gần nhất và sử dụng phương tiện để chữa cháy, thoát nạn.
TB (theo Vietnam+)