Nguy cơ khó lường khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran

24/04/2019 07:51

Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran.


Iran đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz sau khi Mỹ tăng cường trừng phạt nước này

Động thái này đã cho thấy Mỹ thể hiện quyết tâm siết chặt trừng phạt Iran trên mọi mặt trận, khiến dư luận lo ngại về những nguy cơ khó lường có thể xảy ra.

Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran

Ngày 22.4.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Mỹ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng các đồng minh cam kết đảm bảo rằng các thị trường dầu mỏ thế giới vẫn được cung cấp đầy đủ.

Cùng ngày Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết Washington không gia hạn bất kỳ quy chế miễn trừ phạt nào đối với các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu của Iran và không có giai đoạn "ưu đãi" đối với các nền kinh tế được cấp quy chế này. Phát biểu với các phóng viên sau khi Nhà Trắng thông báo chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt nhằm gây áp lực đối với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Chúng ta đang đưa về con số không toàn bộ, không có quy chế miễn trừ được gia hạn ngoài giai đoạn đó, dừng lại hoàn toàn".

Trước đó, Nhà Trắng thông báo đang siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây thiệt hại cho ngành dầu mỏ, vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của Iran. Hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Mỹ dự kiến sẽ thông báo tới tất cả các nước và vùng lãnh thổ mua dầu thô của Iran phải chấm dứt việc nhập khẩu ngay hoặc đối mặt với trừng phạt. Nguồn tin cũng cho biết tờ Washington Post đã đăng tải thông tin về việc Chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt các quy chế miễn trừ đã cấp cho một số quốc gia, vùng lãnh thổ được mua dầu của Iran trong năm ngoái.

Sau khi có thông tin trên, giá dầu thô Brent giao trong tương lai đã tăng 3,2% lên mức 74,30 USD/thùng, mức cao nhất tính từ ngày 1.11.2018, trong phiên giao dịch đầu giờ sáng 22-4 do phản ứng với khả năng thắt chặt nguồn cung dầu thô. Giá dầu giao trong tương lai của sàn WTI tại Mỹ cũng tăng 2,9% lên mức 65,87 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 30.11.2018.

Hồi tháng 11-2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới. Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới.

Iran phản bác quyết định của Mỹ

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô của Iran, Iran khẳng định quyết định này của Mỹ là "không có giá trị", đồng thời cho biết Tehran đã liên lạc với các đối tác châu Âu và các nước láng giềng đồng thời sẽ "có hành động phù hợp".

Các hãng thông tấn Iran dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: "Các quy chế miễn trừ.... không có giá trị, song do tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt, Bộ Ngoại giao đã liên lạc với các đối tác nước ngoài, trong đó có châu Âu, cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng và sẽ có hành động phù hợp".

Trước đó, hãng thông tấn Tasnim dẫn một nguồn tin từ Bộ Dầu mỏ Iran cho biết nước này đã có sự chuẩn bị đối phó trước quyết định chấm dứt hoàn toàn quy chế miễn trừ trừng phạt của Mỹ. Nguồn tin trên nhấn mạnh: "Cho dù quy chế miễn trừ trừng phạt có được tiếp tục hay không, thì xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ không về con số không trong bất kỳ hoàn cảnh nào trừ phi giới chức Iran quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ... Chúng tôi đang theo dõi và phân tích mọi kịch bản có thể xảy ra để thúc đẩy xuất khẩu dầu mỏ". Nguồn tin trên khẳng định Iran đang áp dụng các biện pháp cần thiết.

Iran cũng lên tiếng cảnh báo sẽ phá vỡ hoạt động vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển đi qua eo biển Hormuz, một tuyến vận chuyển quan trọng tại vùng Vịnh nếu Mỹ cố "bóp chẹt" nền kinh tế Iran bằng cách chặn xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời người đứng đầu lực lượng hải quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Alireza Tangsiri cho biết nước này sẽ đóng cửa eo biển Hormuz mang tính chiến lược nếu Tehran bị ngăn cản sử dụng eo biển này.

Dư luận thế giới

Trước quyết định của Mỹ, nhiều nước đã lên tiếng về quyết định trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố nước này luôn giữ lập trường phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào Iran. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, ông Cảnh Sảng nêu rõ hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Iran tuân thủ luật pháp.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng quyết định này không phục vụ sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Trên trang mạng Twitter,  Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu viết: "Chúng ta không chấp nhận các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp đặt cách thức chúng ta xây dựng mối quan hệ với các nước láng giềng".

Thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định trên nhằm đẩy xuất khẩu dầu thô của Iran về con số 0. Theo thủ lĩnh Hezbollah, việc Mỹ ngăn cản Iran và Venezuela xuất khẩu dầu, sẽ khiến nguồn cung giảm, đẩy giá dầu leo thang. Khi đó, chắc chắn thị trường Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này đang nghiên cứu những tác động từ quyết định của Mỹ và sẽ đưa ra tuyên bố về vấn đề này vào thời điểm thích hợp. Trong khi đó, Bộ trưởng Khí đốt tự nhiên và xăng dầu Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết New Delhi sẽ nhập khẩu thêm từ các nước xuất khẩu dầu lớn để bù vào lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho rằng quyết định trên của Mỹ chỉ gây ra tác động hạn chế. Ông Seko cho biết Tokyo không cần sử dụng nguồn dự trữ dầu quốc gia sau quyết định của Washington. Theo ông, Nhật Bản đã giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung dầu từ Iran, theo đó, hiện quốc gia tiêu thụ dầu nhiều thứ 4 thế giới này chỉ nhập khẩu khoảng 3% dầu từ Iran. Tokyo sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường dầu mỏ quốc tế và sẽ trao đổi với các công ty Nhật Bản tham gia nhập khẩu dầu thô, cũng như cân nhắc các biện pháp thích hợp.

Saudi Arabia thì thông báo sẽ hợp tác với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia  Khalid al Falih cho biết nước này sẽ phối hợp với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung đồng thời không làm mất cân bằng trên thị trường dầu mỏ. Ông cho biết Saudi Arabia đang giám sát chặt chẽ những diễn biến thị trường dầu mỏ sau tuyên bố của Chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh quyết định trên của Mỹ. Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Israel nói: "Quyết định của Tổng thống Donald Trump và chính phủ Mỹ mang ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng sức ép đối với chính quyền Iran. Chúng tôi ủng hộ quyết tâm của Mỹ nhằm đối phó với hành động gây hấn của Iran và đây là cách đúng đắn để chấm dứt hành động này".

Khó khăn cho cả Iran và Mỹ

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran cho thấy Washington đang tìm cách đánh vào doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran với mục tiêu đưa doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran về 0%, từ đó kìm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran cũng như sức ảnh hưởng về quân sự và chính trị của quốc gia Trung Đông này trong khu vực. Nhà Trắng cũng hy vọng khi kinh tế khó khăn, ảnh hưởng và vai trò của Iran trong khu vực sẽ giảm sút. Và quyết định mới của Mỹ được coi là đợt “tấn công” toàn diện nhằm triệt tiêu nền kinh tế Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tư trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với sản lượng gần 3 triệu thùng dầu/ngày.

Các nhà phân tích cho rằng, quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran của Mỹ khiến Iran khó tránh khỏi khó khăn lâu dài khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm, đồng nội tệ tiếp tục mất giá, đời sống khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), kinh tế Iran có thể suy giảm 4% năm 2019.

Tuy nhiên, trên thực tế thì Iran vẫn có đủ nội lực và sự “trợ giúp” cần thiết để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ. Kể từ khi Mỹ áp đặt hai gói trừng phạt Iran hồi năm 2018, dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng Iran đã có những bước đi mang tính chủ động để ứng phó khi tích cực hợp tác với nhiều đối tác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Chính điều này đã cho thấy, Mỹ đã bị cô lập khi tiến hành trừng phạt Iran, Mỹ không thể cùng một lúc gây căng thẳng với nhiều đối thủ, bởi điều này gây bất lợi cho chính nước Mỹ. Thực trạng này sẽ khiến trong chừng mực nào đó, chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải “linh hoạt” với các nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ...

Ở một khía cạnh khác, dù sau tuyên bố của Chính phủ Mỹ, Saudi Arabia thông báo sẽ hợp tác với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường dầu mỏ, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, Saudi Arabia và một số đồng minh của Riyadh không đủ khả năng bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran.

Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ có biến động trong thời gian tới. Nhà phân tích thuộc hãng môi giới FXTM, Han Tan, cho rằng việc miễn trừ trừng phạt được dỡ bỏ sẽ khiến giá dầu có thể lên tới 80-90 USD/thùng. Khi đó Iran vẫn có khả năng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Dù lượng dầu xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm sút, nhưng Iran vẫn có thể duy trì ở mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, không loại trừ Iran có thể thông qua nước láng giềng Iraq để tiếp tục bán dầu.

Nguy cơ leo thang căng thẳng ở Trung Đông

Các nhà phân tích cũng cho rằng động thái trên của Mỹ có thể sẽ làm phá vỡ các liên kết kinh tế và ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu và làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Có thể nói, Iran là một thế lực nổi trội và có nhiều tiềm lực trong khu vực. Theo các phân tích, nếu bị "dồn vào đường cùng", Tehran có thể sử dụng các "quân bài" như nối lại chương trình hạt nhân, rút khỏi thỏa thuận với nhóm P5+1, hoặc đóng cửa Eo biển Hormuz - tuyến đường huyết mạch nối các nước xuất khẩu dầu thô tại Trung Đông với các thị trường chủ chốt tại châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ cũng như nhiều khu vực khác. Mỗi ngày có khoảng 1/3 lượng dầu chuyên chở bằng đường thủy của toàn thế giới đi qua eo biển này.

Sau quyết định của Mỹ chính thức đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài cùng với sự trả đũa từ Iran khi tuyên bố coi các lực lượng Mỹ đóng tại khu vực Trung Đông là lực lượng khủng bố, truyền thông Mỹ dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran sẽ tiếp tục làm leo thang cuộc đối đầu trong khu vực. Đồng thời làm phức tạp nhiệm vụ của các lực lượng và giới ngoại giao Mỹ trong khu vực, vốn phải liên kết với các chính phủ có mối liên hệ mật thiết với Iran và thậm chí với chính Iran về một nhóm các vấn đề nhạy cảm.

Truyền thông Mỹ cũng lo ngại rằng việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran có thể dẫn đến sự phản ứng dữ dội nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực "mà không hề gây tổn hại như dự tính đối với nền kinh tế Iran".

Các chuyên gia phân tích nhận định, ở khu vực Trung Đông, sự liên quan giữa dầu mỏ và chính trị luôn cực kỳ phức tạp, dầu mỏ có thể trở thành vũ khí tấn công và đôi khi lại là mồi lửa đủ để biến cả khu vực thành "chảo lửa" chẳng thể dập tắt. Thậm chí, các nhà phân tích còn cảnh báo sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" cho trật tự thế giới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ khó lường khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran