Nguy cơ “dịch chồng lên dịch”

26/02/2012 08:17

Diễn biến dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh, lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp làm tăng nguy cơ “dịch chồng lên dịch”.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguy nguy cơ dịch chồng lên dịch đang đe dọa ngành chăn nuôi nước ta. Diễn biến dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh, lở mồm long móng diễn biến phức tạp. Lào Cai vừa mới phát hiện ổ dịch lợn tai xanh và  dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ở Nam Định. Hiện nay ngành chức năng đang tiếp tục xác định các tuýp virus cúm gia cầm tại các địa phương để nhập vaccine.

Tại tỉnh Lào Cai, bệnh tai xanh xuất hiện tại 11 hộ chăn nuôi ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo thắng và thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên từ ngày 20-2, làm 65 con lợn mắc bệnh. Theo Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai, nguồn lây bệnh tai xanh là từ nơi khác đến, vì 2 địa phương này chưa từng xuất hiện dịch. Để ngăn chặn dịch tai xanh lây lan ra các địa phương khác, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch.

Ông Đào Duy Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: “Sau khi phát hiện ra dịch và phiếu trả lời kết quả xét nghiệm, ngành chuyên môn địa phương đã tiến hành bao vây dập dịch. Những con gia súc, gia cầm nào mắc bệnh không có khả năng chữa được sẽ bị tiêu hủy, những đàn nào chữa được sẽ cho cách ly. Cơ quan chức năng cũng tổ chức họp dân để tuyên truyền, ký cam kết với từng hộ, quản lý chặt chẽ không cho vận chuyển đi nơi khác; triển khai khử trùng tiêu độc, tiêm phòng khẩn cấp cho những vùng bị dịch và vùng xung quanh ổ dịch; thành lập các chốt trạm; huy động toàn bộ hệ thống thú y với chính quyền cơ sở để tổ chức bao vây”

Dịch lở mồm long móng ở gia súc tiếp tục xuất hiện tại Hà Giang, Nam Định và Thái Bình. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm cũng tiếp tục xuất hiện ở xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, đưa số tỉnh có dịch cúm gia cầm của cả nước lên 13. Đến nay, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy khoảng 52.000 con, trong đó vịt chiếm gần 90%.

Qua số liệu phân tích các mẫu virus từ các ổ dịch cúm gia cầm cho thấy, nhánh vi rút mới của virus cúm H5N1 lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung, Tây nguyên; và nhánh cũ vẫn đang lưu hành ở phía Nam.

Ông Hoàng Văn Năm, quyền cục trưởng Cục Thú y khẳng định, vaccine H5N1 Re -1 vẫn có hiệu quả đối với nhánh virus 1 và 2.3.4. Tuy nhiên, đối với nhánh 2.3.2.1A thì hiệu quả bảo hộ không cao. Còn vaccine H5N1 Re -5 nếu tiêm 1 mũi thì tỷ lệ bảo hộ chỉ đạt 70%. Trong khi đó, tại một số địa phương xuất hiện nhánh mới thì loại vaccine này lại không hiệu quả.

Hiện nay, các đoàn công tác của Cục Thú y, cơ quan Thú y vùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đi kiểm tra, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các tỉnh, thành phố.

Minh Hường (VOV)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ “dịch chồng lên dịch”