Nguy cơ các bộ, tỉnh không hoàn thành mục tiêu về dữ liệu số

21/08/2023 15:10

Từ kết quả tổng hợp hiện trạng triển khai trong những tháng đầu năm nay, Bộ TT&TT nhận thấy nguy cơ các bộ, tỉnh không hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ Năm dữ liệu số quốc gia là hiện hữu.

Chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu dữ liệu. Dữ liệu được xem như một loại tài nguyên, tài sản, “đất đai của không gian mới”; là nguyên liệu, nhiên liệu, cũng như là sản phẩm của quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Năm 2023 đã được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số quốc gia xác định là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Một số địa phương đã triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh: Sở TT&TT Đà Nẵng)

Trong kế hoạch hoạt động năm 2023, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã nêu rõ 8 chỉ tiêu quan trọng về dữ liệu số cần đạt như: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch.

Cùng với đó, trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Cũng tại kế hoạch nêu trên, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã đề ra lộ trình triển khai các hành động trọng tâm trong Năm dữ liệu số quốc gia theo từng tháng, từ tháng 4 đến tháng 12, tập trung vào các chủ đề chính gồm: Dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; phân tích, xử lý dữ liệu; quản trị dữ liệu; nhân lực dữ liệu; hạ tầng dữ liệu quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đánh giá về dữ liệu số, tại hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số quốc gia cho biết, thời gian qua, các cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai, kết nối, chia sẻ để phục vụ các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, đã được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai. Trong đó, tiêu biểu là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu về bảo hiểm; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia – NDXP đã tiếp  tục được đẩy mạnh.

Trong báo cáo công tác chuyển đổi số tháng 7, Bộ TT&TT cho hay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; 9 cơ sở dữ liệu và 14 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương. Tính đến ngày 31/7/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 7/2023 đạt trên 41 triệu, nâng tổng số giao dịch trong 7 tháng đầu năm nay lên hơn 333,8 triệu giao dịch, trung bình hàng ngày có khoảng 1,59 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Lũy kế từ khi khai trương đến nay, tổng số giao dịch thực hiện qua NDXP đã đạt hơn 1,41 tỷ.

Thời gian qua, nền tảng NDXP cũng đã hỗ trợ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với hệ thống của các bộ, ngành, địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với hệ thống của 57 địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, một trong những tồn tại hạn chế là việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy hết hiệu quả.

Bộ TT&TT sẽ căn cứ vào kết quả triển khai nhiệm vụ Năm dữ liệu số quốc gia để đánh giá mức độ chuyển đổi số, cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương. (Ảnh minh họa: Internet)

Đáng chú ý, trong văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ của Năm dữ liệu số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, qua tổng hợp hiện trạng triển khai, Bộ nhận thấy kết quả triển khai của các bộ, ngành, địa phương hiện còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra trong năm 2023. 

Với hiện trạng này, Bộ TT&TT nhận thấy nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không hoàn thành các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã chỉ đạo tại Quyết định 17 ngày 4/4/2023 của Ủy ban đang hiện hữu.

Vì thế, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở nghiên cứu hướng dẫn về yêu cầu đối với các mục tiêu về dữ liệu số được nêu tại Quyết định 17, khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số nếu không hoàn thành các mục tiêu trên đúng thời hạn.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị nghiên cứu Báo cáo chuyên đề về kết nối, chia sẻ dữ liệu tính đến hết tháng 6/2023 và tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý nghiệp vụ chuyên ngành, chỉ đạo điều hành được hiệu quả.

Bộ TT&TT cũng cho biết thêm, Bộ sẽ căn cứ vào kết quả triển khai nhiệm vụ Năm dữ liệu số quốc gia để đánh giá mức độ chuyển đổi số, đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương. 

(0) Bình luận
Tin mới nhất
Nguy cơ các bộ, tỉnh không hoàn thành mục tiêu về dữ liệu số