Nguy cơ bệnh Ebola lây sang Việt Nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào

08/08/2014 15:16

Việt Nam có nhiều người đang đi lao động, học tập, công tác tại các nước có dịch bệnh Ebola, do vậy nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngành y tế sẽ triển khai giám sát chặt chẽ hành khách đến từ bốn nước có dịch bệnh ngay tại sân bay. (Ảnh: T.G/Vietnam+)


Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12 năm 2013 tới nay thế giới đã ghi nhận 1.711 trường hợp nhiễm virus Ebola trong đó có 932 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone, Nigeria.


Trước tình hình dịch bệnh phức tạp trên có thể lây lan vào Việt Nam bất cứ khi nào nếu không được dự phòng tốt, phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề này.

- Hiện nay, dịch bệnh Ebola được các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm. Phó giáo sư có thể cho biết nguồn gốc và diễn biến tình hình dịch bệnh này như thế nào?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Như các bạn đã biết các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa và WHO đã thông báo thì dịch Ebola đã có từ những năm 1946, tại Sudan. Trước kia bệnh này chỉ xảy ra ở trong khuôn khổ 11 nước châu Phi, tuy nhiên từ tháng 12/2013-1/8/2014 tình hình dịch diễn biến nhanh và rất phức tạp.

Dịch bệnh hiện nay có ở trong 4 nước với trên 1.600 trường hợp mắc bệnh, gần 900 ca tử vong, thâm chí Tổng giám đốc WHO còn phải lên tiếng rằng “nỗ lực của hệ thống y tế cũng chưa kiểm soát nổi bệnh này.”

WHO đang nghiên cứu và công bố khẩn cấp ra cộng đồng hay không? Cũng có một điểm khác là trước kia nó chỉ cố định ở trong những khu vực địa phương nhất định thì giờ WHO nó có thể đang xảy ra giữa biến động dân cư khu vực các nước và đồng thời có thể lan truyền theo đường hàng không và ra các nước khác.

Vừa qua các bạn cũng biết có những cán bộ chuyên gia người Mỹ làm việc ở các nước châu Phi cũng đã bị mắc loại virus này.

- Về phía Bộ Y tế, ông có thể đánh giá nguy cơ lây lan của dịch đối với Việt Nam hiện nay?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Nếu như trước kia Tổ chức Y tế Thế giới có nói rằng nguy cơ lan truyền của bệnh ra các châu lục khác là thấp, nhưng nay họ đã đánh giá nguy cơ lan truyền qua nước khác qua biến động dân cư, qua đường hàng không và Việt Nam cũng không loại trừ vấn đề đó.

Tôi cho rằng Việt Nam đang có những người đang đi lao động, học tập công tác tại các nước châu Phi, bên cạnh đó cũng có trường hợp người của các quốc gia khác như Trung Quốc hay một số nước châu Á đi làm việc ở đó nhưng vào Việt Nam trong khoảng thời gian ở nước đó chưa qua 21 ngày. Như vậy, chúng ta nếu không kiểm soát tốt các đối tượng trên thì họ cũng như công dân Việt Nam đi ra các nước đó về.

Do vậy, nguy cơ lây nhiễm và mang các nguồn bệnh này vào Việt Nam cũng có thể xảy ra.


Người dân Liberia đọc thông báo về dịch bệnh Ebola tại một trung tâm y tế cộng đồng. (Ảnh: AFP/TTXVN)


- Dịch Ebola đang được các chuyên gia đánh giá ở mức độ nguy hiểm, vì con số tử vong rất cao. Phó giáo sư có thể phân tích về con đường lây truyền của dịch này như thế nào?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Đúng là thời gian gần đây dịch Ebola tăng vì virus với độc lực rất mạnh, mức độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong nhiều.

Hiện nay, bệnh Ebola có hai nguồn lây là động vật và con người. Bệnh này khác với một số bệnh mà chúng ta cảnh báo từ trước như Sars, Mers-CoV ở chỗ chúng chủ yếu lây theo tiếp xúc gần nghĩa là lây theo dịch tiết, các chất tiết, mô của người bệnh, qua quá trình làm y tế và máu… khi tiếp xúc với người lành thì người lành sẽ bị mắc.

Nguồn lây thứ hai là cũng có động vật bị nhiễm rồi lây truyền sang người như tinh tinh, khỉ, dơi, và những người đi săn cũng bị mắc bệnh này.

- Xin ông cho biết, với một người mắc bệnh thì các triệu chứng được biểu hiện như thế nào?


Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Bệnh Ebola có nhiều triệu chứng giống các bệnh khác như sốt, đau đầu mệt mỏi, cũng có ban xuất huyết, nặng thì suy thận suy gan, quan trọng chúng ta phát hiện sớm những người mắc bệnh hay không thì phải kết hợp lâm sàng bệnh và dịch tễ.

Chẳng hạn như có người vừa từ châu Phi về trong vòng 21 ngày mà có các triệu chứng trên thì phải chỉ điểm ngay, khai thác các yếu tố dịch tễ, nếu có Ebola thì phải hướng tới điều trị. Cuối cùng là phải lấy mẫu xét nghiệm.

Bệnh do virus Ebola nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắcxin phòng bệnh. Vì vậy, hiện nay công tác điều trị còn gặp nhiều khó khăn, ngành y tế điều trị theo triệu chứng là chính để tránh khỏi giai đoạn nguy hiểm và giảm tử vong.


Do vậy, để phòng bệnh, người dân cần hạn chế tiếp xúc với những người ốm có các triệu chứng như vậy, đặc biệt là các cán bộ trong bệnh viện.

Thứ hai là mỗi người dân cần vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, các dụng cụ gia đình, hạn chế đi tới các nước đang có bệnh. Trong trường hợp phát hiện người có triệu chứng gì nên đến các cơ sở y tế kịp thời để khám bệnh.

- Trước diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai công tác chuẩn bị gì để đối phó nếu bệnh xuất hiện tại Việt Nam?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Trước tình hình trên, chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với WHO để có ứng phó kịp thời, quyết liệt các biện pháp nhưng không gây hoang mang và xáo trộn cho người dân ở sân bay.

Bộ Y tế đã báo cáo với chính phủ về vấn đề này để nhận được sự chỉ đạo của chính phủ đối với các bộ ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh. Ngành y tế xác định lúc này phải quyết liệt từ các chính quyền. Về phía Bộ Y tế, chúng tôi đã có hướng dẫn kỹ thuật đã có đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng, cách ly triệt để khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Thứ hai là chúng tôi cũng đã đề nghị các bộ liên quan, như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải áp dụng tờ khai y tế từ 15/8 đối với những khách tới từ 4 nước có dịch. Và việc này phải phối hợp chặt chẽ tại các sân bay, tại các cửa khẩu, và các ngành chức năng khác.

Xin cảm ơn phó giáo sư Trần Đắc Phu.


THÙY GIANG (Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ bệnh Ebola lây sang Việt Nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào