Sau khi FTX Group nộp đơn xin bảo hộ phá sản, hãng Reuters cho hay 1 - 2 tỷ USD từ nguồn quỹ của khách hàng đã biến mất khỏi FTX.
1 - 2 tỷ USD từ nguồn quỹ của khách hàng được cho là đã biến mất khỏi FTX. Ảnh: Pymnts.com
Sau khi FTX Group, công ty vận hành sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ ba thế giới, nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ, hãng Reuters cho hay 1 - 2 tỷ USD từ nguồn quỹ của khách hàng đã biến mất khỏi FTX.
Trước đó, cả hãng Reuters và Thời báo Phố Wall đều đưa tin cựu CEO của FTX, Bankman-Fried, đã chuyển 10 tỷ USD từ nguồn quỹ của khách hàng trên FTX sang đơn vị giao dịch tài sản kỹ thuật số, Alameda Research.
Mối quan hệ giữa FTX và Alameda, cũng do Bankman-Fried sáng lập, đang được nhiều cơ quan quản lý như Bộ Tư pháp cũng như Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) tiến hành điều tra. Hãng Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết phần lớn trong số 10 tỷ USD được chuyển đến Alameda "đã biến mất".
Trả lời phỏng vấn hãng Reuters về thương vụ chuyển 10 tỷ USD sang Alameda, ông Bankman-Fried khẳng định FTX không bí mật chuyển nhượng và một số thông tin nội bộ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khi được hỏi về các khoản tiền cụ thể đã "biến mất", ông Bankman-Fried đã không đưa ra câu trả lời.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, FTX cho biết việc đệ đơn phá sản là cần thiết để công ty "đánh giá tình hình và phát triển một quy trình nhằm tối đa hóa khả năng thu hồi tài sản cho các bên liên quan". CEO Bankman-Fried đã tuyên bố rằng người dùng Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt thanh khoản.
Sự sụp đổ của FTX có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến các công ty tiền điện tử khác phụ thuộc vào công ty này để tồn tại.
Trước đó, các công ty cho vay tiền điện tử C Network và Voyager đã tuyên bố phá sản vào tháng 7.2022 sau khi chặn việc rút tiền của người dùng.
Theo TTXVN