Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước thủy lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân.
Nước thải từ kênh T2 (TP Hải Dương) chưa được xử lý bơm thẳng ra sông Sặt gây ô nhiễm nguồn nước thủy lợi
Nhiều tuyến kênh đenMục sở thị bể hút trạm bơm Văn Thai, ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng), tôi thấy rác thải nổi lềnh bềnh, nước sông đen đặc. Những ngày qua, để bảo đảm cho hệ thống các ống hút của trạm bơm không bị tắc nghẽn bởi lượng rác thải quá lớn chảy từ hệ thống các kênh dẫn về bể hút, hằng ngày, 10 cán bộ, công nhân của trạm bơm đều phải vớt rác. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Trạm trưởng trạm bơm cho biết: "Thời gian gần đây, rác thải công nghiệp và sinh hoạt theo dòng nước chảy về khu vực bể hút của trạm bơm ngày càng nhiều. Rác nổi còn dễ xử lý, khó vớt nhất là rác chìm. Mới tuần trước, có ngày công nhân trạm bơm đã phải vớt rác từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới xong".
Nhiều bao rác nổi lềnh bềnh trên kênh Văn Thai
Khảo sát của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho thấy, tỉnh ta có tuyến kênh Thạch Khôi- Đoàn Thượng bị ô nhiễm nặng. Nước ở kênh này thường xuyên đổi màu, nổi nhiều váng bọt và có mùi hôi tanh. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo hạn chế sử dụng nước trên kênh này để phục vụ sản xuất nông nghiệp. 3 vụ gần đây xã Đoàn Thượng có hơn 5 ha lúa và hoa màu bị giảm năng suất do sử dụng nước tưới từ kênh này.
Ngày 25-3, Chi cục Thủy lợi tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước trên 14 tuyến kênh trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy các tuyến kênh: Hồng Đức thuộc các huyện Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang; Đại Phú Giang (Gia Lộc, Ninh Giang); Thạch Khôi- Đoàn Thượng (Gia Lộc); Chùa So, Quảng Giang (Gia Lộc, Tứ Kỳ); Cẩm Đông- Phí Xá, Đò Cậy- Tiên Kiều (Cẩm Giàng); Cầu Sộp-Phủ, Đò Cậy (Bình Giang); Bá Liễu- Trại Vực (TP Hải Dương, Tứ Kỳ); kênh Đò Hàn (Nam Sách); kênh T6 Vạn Thắng (Chí Linh); trung thủy nông Hoành Sơn (Kinh Môn); sông Hương (Thanh Hà, Nam Sách), sông Nguyễn Văn Bé (Kim Thành) đều bị ô nhiễm. Mặc dù dòng chảy trên các tuyến kênh này tương đối ổn định nhưng hầu hết các tuyến kênh được quan trắc vẫn bị ô nhiễm nặng, nhất là ô nhiễm chất hữu cơ. Các chỉ tiêu COD, BOD5, SS, NO2-, NH4+-N, NO2 --N đều vượt quy chuẩn cho phép. Một số tuyến kênh Bá Liễu- Trại Vực (TP Hải Dương, Tứ Kỳ); Thạch Khôi- Đoàn Thượng (Gia Lộc) có thông số Fecal. coli cao hơn quy chuẩn cho phép, nếu không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất và chất lượng nông sản.
Cần có giải pháp đồng bộ Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Thời gian gần đây, ô nhiễm nguồn nước thủy lợi đã ảnh hưởng tới việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều địa phương. Để khắc phục được tình trạng trên cần có giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần có cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, hỗ trợ việc giám sát bảo vệ tài nguyên nước và ngăn chặn các hành vi gây suy thoái, ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tổ chức, cá nhân về các chính sách và pháp luật về tài nguyên nước. Phát động các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ tài nguyên nước, xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước. Tuyên truyền giáo dục về Luật Tài nguyên nước, lợi ích và việc sử dụng bền vững, tiết kiệm tài nguyên nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng các hệ thống xử lý nước phục vụ cho nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành kinh tế phải phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng nước của từng ngành. Trong đó, hệ thống thoát và xử lý nước thải bảo đảm trước khi đổ ra sông phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra hệ thống thủy lợi. Các địa phương cần quy hoạch và xây dựng bãi tập kết rác hợp lý, không để tình trạng bãi tập kết rác ngay cạnh nguồn nước phục vụ thủy lợi. Khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ có thời gian phân giải ngắn, tránh hiện tượng thẩm lậu xuống nguồn nước lâu ngày gây ô nhiễm...
PV