Nhờ “trời ban” cho nguồn nước chất lượng tốt dưới chân núi An Phụ và sườn phía tây núi Ngang nên nhiều hộ dân ở Kinh Môn yên tâm dùng trực tiếp...
Mặc dù đang dùng nước sạch từ nhà máy cấp nước nhưng nhiều hộ dân xã Duy Tân
vẫn tới giếng núi Nhẫm lấy nước ngầm lộ thiên sử dụng vì có chất lượng tốt
Nhiều hộ dân ở Kinh Môn khoan giếng nhưng không sử dụng được nước ngầm vì nước nhiễm kim loại, hóa chất nặng. Tuy nhiên, ở một số nơi lại có sẵn nguồn nước ngầm được ví như "trời cho" sử dụng không cần qua lọc.
Nguồn nước quý dưới chân núi An PhụNguồn nước này có nhiều ở chân núi An Phụ, qua các xã An Sinh, Hiệp Hòa, Thái Sơn và núi Ngang qua xã Duy Tân. Từ nhiều năm nay, người dân địa phương khai thác ở quy mô nhỏ lẻ nhưng rất hiệu quả để phục vụ sinh hoạt.
Nhà anh Nguyễn Doãn Hưởng ở thôn Kim Xuyên 3 (xã An Sinh) nằm dưới chân núi An Phụ, cách đền Cao chừng 1 km. Hơn 10 năm trước, anh khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Anh bất ngờ bởi nguồn nước này trong vắt, không có mùi lạ, không bị nhiễm sắt như nhiều giếng khoan khác trong xã, có thể sử dụng trực tiếp không cần lọc. Đặc biệt, khi pha trà bằng nước này, anh Hưởng thấy trà ngon hơn dùng nguồn nước khác. Qua nhiều năm các thiết bị như bình nóng lạnh, bình lọc nước rất ít cặn bám, chứng tỏ nước rất sạch. Nhiều người dân cho rằng, đây là nguồn nước tự nhiên mà ông trời đã ban tặng. Ngay tại xã An Sinh, những hộ dân sống ở địa hình bằng phẳng, cách xa núi An Phụ cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nước. Họ thuê thợ khoan giếng nhưng đa số đều không sử dụng được vì nhiễm mặn, nhiễm sắt. Thấy nguồn nước "trời cho" phát lộ ở nhà anh Hưởng, nhiều người đề nghị cùng được sử dụng. Anh Hưởng cho biết: "Nhà tôi hiện có 2 giếng nước. Một giếng cấp cho gia đình và khoảng 100 hộ dân thôn Kim Xuyên 3. Một giếng tôi cho trường học sử dụng nhờ để cấp nước cho học sinh. Nguồn nước dồi dào quanh năm, chưa thấy bị thiếu hụt".
Từ lâu, người dân địa phương đã biết đến một mạch nước ngầm chạy dọc dưới chân núi An Phụ. Do vậy, những hộ sống gần núi đã khoan giếng lấy nguồn nước này. "Người dân thôn tôi đa số đào giếng ở rìa núi để lấy nước. Nước sạch sẽ nên nhiều người yên tâm dùng trực tiếp làm nước uống, nấu ăn mà không cần qua lọc. Dùng nước này tôi cảm thấy còn tốt hơn nguồn nước từ các nhà máy nước sạch", anh Nguyễn Quang Ưng ở thôn Nghĩa Vũ nói.
Theo ông Đào Văn My, Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh, nguồn nước ngầm dưới chân núi An Phụ hiện cung cấp cho hơn 1.500 hộ dân, chiếm 90% số dân địa phương. Ngoài các hộ dân tự khoan giếng lấy nước còn có 5 nhóm hộ khai thác nước ở quy mô lớn hơn để cấp cho nhiều hộ khác ở trong xã và một phần xã Phạm Mệnh. Nguồn nước ngầm dồi dào ngay cả những tháng mùa đông và mùa xuân. Thông thường, người dân khoan giếng đến độ sâu 30-35 m là có thể lấy được nguồn nước sinh hoạt. Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã nhiều lần lấy mẫu nguồn nước để phân tích cho kết quả nước đạt tiêu chuẩn sử dụng.
Tại 2 xã Hiệp Hòa, Thái Sơn, nguồn nước ngầm ở chân núi An Phụ cũng có chất lượng tốt, có thể dùng trực tiếp không qua lắng lọc. Một số hộ dân xã Hiệp Hòa đã khai thác nguồn này cấp cho nhiều hộ khác trong vùng. Ở thôn Vũ An, xã Thái Sơn còn có một mạch nước từ trong núi chảy ra. Những người dân gần đó đã lắp đường ống để lấy nước sử dụng.
Giếng nước cổ lộ thiênNgoài núi An Phụ, nguồn nước "trời cho" còn xuất hiện ở sườn phía tây núi Ngang thuộc thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân. Nguồn nước ngầm lộ thiên tại một giếng nước cổ nổi tiếng có tên là giếng núi Nhẫm. Giếng này có hình bán nguyệt, miệng giếng dài khoảng 2 m, rộng 2 m. Mực nước trong giếng thường duy trì 0,5 - 1 m, nước trong vắt, có thể nhìn thấu đến đáy. Dưới đáy giếng có một mạch nước từ trong núi chảy ra nên giếng không bao giờ cạn. Hằng ngày, nhiều người dân địa phương, kể cả người dân ở những thôn đã được dùng nước do nhà máy nước sạch cung cấp đã đến đây lấy nước về uống, nấu ăn. Ông Nguyễn Văn Hải ở gần giếng này cho biết: "Nước này rất sạch, dùng trực tiếp mà không lo bệnh tật gì cả. Tôi biết có người lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm cho thấy nước chất lượng tốt. Đặc biệt, dùng nước này để pha trà thì ngon tuyệt". Ngoài giếng núi Nhẫm, những hộ dân thôn Nhẫm Dương ở gần núi Ngang cũng tự khoan giếng để lấy nước. Công ty CP Sản xuất thương mại và dịch vụ Thái Dương đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước tinh khiết để khai thác nguồn nước ngầm tại đây.
Công ty CP Sản xuất thương mại và dịch vụ Thái Dương đã đầu tư dây chuyền sản xuất
nước tinh khiết để khai thác nguồn nước ngầm tại xã Duy Tân
Hội Địa chất tỉnh đã khảo sát về nguồn nước "trời cho" này. Nguồn nước thuộc loại nước chứa và vận động trong khe nứt, hang hốc Karst. Tầng chứa nước lộ ra ở huyện Kinh Môn tại dãy núi An Phụ từ xã Phúc Thành đến thị trấn Kinh Môn, kéo dài khoảng 10 km; khu vực núi Ngang tại khu Nhị Chiểu dài khoảng 5 km. Phần lớn các điểm lộ nước và các lỗ khoan ở huyện Kinh Môn đang khai thác với độ sâu 20-60 m, có chất lượng nước rất tốt, hàm lượng sắt rất nhỏ từ 0 - 0,02 mg/l, pH từ 6,35-7,25. Hội Địa chất tỉnh khuyến cáo cơ quan chức năng cần thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước tại 2 dải núi trên; thiết kế các giếng khoan thăm dò, khai thác nước theo quy mô công nghiệp và bảo vệ tầng chứa nước không bị cạn kiệt, ô nhiễm để sử dụng lâu dài.
NINH TUÂN