Nguồn nước đang nhiễm bẩn

23/09/2011 07:58

Nguyên nhân do hệ thống sông ngoài và sông nội đồng là nguồn chính tiếp nhận nước thải từ các hoạt động sản xuất và nước thải sinh hoạt...



Nước thải của các nhà hàng và cụm công nghiệp Thạch Khôi khiến nước kênh
 Thạch Khôi - Đoàn Thượng bị ô nhiễm nặng


Tỉnh ta có hệ thống sông ngòi chằng chịt, gồm những sông chính như sông Thái Bình, Kinh Thầy, Gùa, Văn Úc, Lai Vu, Luộc, Kinh Môn... Ngoài ra còn có hệ thống sông nội đồng như sông Sặt, Đình Đào, Cửu An, Ghẽ, Tứ Kỳ, Cầu Xe... Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguồn nước mặt các sông nội đồng đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng. Những sông ngoài như sông Thái Bình, Kinh Thầy cũng có hiện tượng ô nhiễm cục bộ. Nguyên nhân do hệ thống sông ngoài và sông nội đồng là nguồn chính tiếp nhận nước thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng lượng nước thải của tỉnh khoảng 69 triệu m3/năm, tương đương 190 nghìn m3/ngày đêm (chưa kể nước thải nông nghiệp). Trong đó, riêng nước thải từ sản xuất công nghiệp khoảng 60 triệu m3/năm, chiếm 87,4% tổng lượng nước thải. Kết quả quan trắc và phân tích hiện trạng môi trường đợt I và đợt II-2011 do Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cho thấy, chất lượng nước mặt tại các mương thoát nước, nguồn tiếp nhận nước thải của các khu, cụm công nghiệp đã có các dự án hoạt động đều có dấu hiệu bị ô nhiễm về chất lượng nguồn nước. Đối với nguồn nước tiếp nhận nước thải của các khu công nghiệp, nhiều thông số có nồng độ vượt quy chuẩn cho phép là NH4+-N (Amoni), TSS (chất rắn lơ lửng trong nước), BOD5 (nhu cầu ô-xy sinh học), COD (nhu cầu ô-xy hóa học) tổng dầu mỡ... Trong đó, tổng dầu mỡ tại điểm tiếp nhận nước thải của khu công nghiệp Phúc Điền vượt quy chuẩn cho phép 27,2 lần. Đối với nguồn nước tiếp nhận nước thải của các cụm công nghiệp, kết quả phân tích tại 27 điểm thì có tới 25 điểm có thông số vượt quy chuẩn cho phép, nhiều thông số vượt hàng chục lần như NH4+-N tại điểm tiếp nhận của cụm công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) vượt 52,5 lần, tổng dầu mỡ tại điểm tiếp nhận của cụm công nghiệp Cộng Hòa (Kim Thành) vượt 54,4 lần...

Cùng với nước thải công nghiệp, nước thải đô thị cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm nguồn nước mặt. So với loại hình nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp tập trung thì nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh trên phạm vi rộng, phân tán, số lượng đối tượng xả thải lớn. Ở những khu vực chưa có hệ thống thoát nước chung, nước thải sinh hoạt được thải chủ yếu theo địa hình, lưu vực thoát nước tự nhiên. Một phần nước thải ngấm xuống đất hoặc bốc hơi gây ô nhiễm môi trường và rất khó kiểm soát. Mối nguy hại lớn nhất đối với nước thải sinh hoạt là gây mùi khó chịu, nguy cơ phát sinh các ổ dịch, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm... Bên cạnh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt, nguồn nước mặt còn bị ô nhiễm từ nguồn nước thải của các trung tâm y tế, bệnh viện ở các địa phương trong tỉnh. Ngoài lượng nước thải từ các hoạt động khám, chữa bệnh hằng ngày, hầu hết các bệnh viện đều thải ra một lượng chất thải lỏng nguy hại đến sức khỏe và môi trường như thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân, a-xít vô cơ, thuốc khử trùng. Nước thải từ các cơ sở y tế được thải vào hệ thống nước thải sinh hoạt cùng với các hạt rắn dạng keo lơ lửng, là nguồn thải có khả năng gây ô nhiễm cao. Theo đánh giá của Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương, nước nguồn tại các sông nội đồng đã bị ô nhiễm trầm trọng do tốc độ dòng chảy chậm, nhiều vật cản... khiến nước không thể lưu thông. Tại các sông nội đồng, nhiều chỉ tiêu chất lượng đã vượt quy chuẩn quy định. Theo kết quả phân tích, tại nguồn nước trạm cấp nước Cẩm Giàng, Tứ Kỳ các thông số như TSS, COD, BOD5, COD5, dầu mỡ... đều vượt từ 1,5 - 2 lần quy chuẩn cho phép.

Theo thống kê, tổng nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 117 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó, nhu cầu nước sạch ở các đô thị như TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và các thị trấn khác khoảng 32 nghìn m3/ngày đêm. Nguồn nước khai thác sử dụng để cấp cho sinh hoạt tại các đô thị chủ yếu là nước mặt, chiếm khoảng 70%, được khai thác từ các con sông: Thái Bình, Luộc, Kinh Môn, Kinh Thầy... Tại khu vực nông thôn, 62% số dân đã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Tuy nhiên, số người được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ chiếm 2% số dân nông thôn, còn lại từ nguồn giếng khoan, giếng đào và các công trình khác. Nguồn nước phục vụ cho nhu cầu ăn uống của người dân chủ yếu là nước mưa hoặc nước giếng đào. Nước mặt tại các sông nội đồng, ao hồ đã bị ô nhiễm do tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi... chỉ được dùng cho tắm giặt.

Với tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt như hiện nay, nếu không có các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, tới một lúc nào đó nước từ các con sông trên địa bàn tỉnh không thể cung cấp cho sinh hoạt của người dân, đó thực sự là một thảm họa. Vì vậy, cần có sự vào cuộc thực sự quyết liệt của các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nguồn nước dùng cho sinh hoạt.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn nước đang nhiễm bẩn