Một buổi sớm, ông Vỹ, bí thư Đảng ủy xã, quần xắn móng lợn, đạp xe rất nhanh đến nhà anh Phú, trông cứ như có việc cấp bách gì đó. Vào đến sân, vừa dựng xe ông đã cất giọng oang oang:
- Anh Phú... có nhà không đ...ớ...i...?
Phú bước nhanh từ trong nhà ra. Thấy ông, anh reo lên:
- Ôi... bác Vỹ... mời bác vào nhà xơi nước ạ!
Ông Vỹ vào nhà. Hai người vừa uống nước vừa trò chuyện. Phú có vẻ ngạc nhiên, không biết có việc gì quan trọng mà ông bí thư lại phải đạp xe sang tận nhà mình thế này. Nhưng thấy ông vui, anh cũng yên tâm. Ông Vỹ vừa uống nước vừa thân tình nói:
- Hôm qua, tôi đi họp trên huyện, các anh ấy lại hỏi đến vấn đề cuốn truyền thống lịch sử Đảng bộ xã ta... Gớm... nhiều xã đã làm xong, sách in đến là đẹp. Còn xã mình, chả hiểu thế nào mà cứ tắc mãi. Chiều qua họp, chúng tôi mới phát hiện ra anh hồi ở bộ đội cũng đã từng làm cán bộ tuyên huấn, có viết văn, viết báo. Chúng tôi mừng như vớ được vàng. Tôi đến nhờ anh giúp cho xã cái việc này...
Phú đắn đo hỏi:
- Thế mấy người trước viết thì thế nào cơ bác?
Ông Vỹ khẽ thở dài, lắc đầu:
- Chả hiểu có vấn đề gì mà ông nào cũng bỏ dở. Người thì kêu ốm đau. Người thì vin cớ vào Nam với con, không viết nữa...
Phú ngập ngừng:
- Em cũng chưa quen viết lịch sử. Nhưng là công việc chung của xã... thôi thì em cũng xin cố gắng...
Ông Vỹ mừng ra mặt:
- Ờ... phải vậy chớ! Chả nhẽ cái vấn đề nhân tài của xã mình lại kém các xã? Xin anh cố gắng giúp cho... Còn vấn đề thù lao, anh cứ yên tâm... Chúng tôi cũng hiểu giá trị của lao động trí óc mà...
Sau chừng non nửa tiếng trò chuyện, ông Vỹ mới mở cặp lấy ra trao cho Phú một tập dày những tư liệu, văn bản cần thiết phục vụ cho việc viết lịch sử xã rồi ra về. Lòng ông vui lâng lâng. Còn Phú thì đã hứa rồi lại thấy lo lo… Viết lịch sử đâu phải chuyện dễ dàng. Dễ đụng chạm đến người này người nọ lắm. Nhất là lịch sử địa phương, làng này, làng kia, họ này, họ khác… người được nói nhiều, người được nói ít, tranh cãi bằng ốm. Rồi sự việc thì đã qua, người nhớ thế này, người nhớ thế khác… Tư liệu, sách báo thì hiếm… Không biết có đáp ứng được sự tín nhiệm của xã không…
Sau đấy, Phúc tập trung ngay vào việc nghiên cứu tài liệu, rồi tìm hiểu, thu thập thêm tư liệu qua bao nhiêu người trong xã. Anh cũng mong gặp lại những người đã viết trước để hỏi xem tình hình thế nào mà họ bỏ dở. Anh biết họ đâu có kém cạnh gì. Người thứ nhất là ông Hiển, một người đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, đã có một số công trình nghiên cứu về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh cho in ấn, phát hành. Người thứ hai là ông Bảo, một thầy giáo dạy văn cấp hai, hội viên Hội Văn nghệ tỉnh, cũng là một cây bút văn chương có tiếng ở địa phương...
May sao, chỉ tháng sau ông Bảo từ trong Nam về quê có việc. Phú liền phóng xe máy đến thăm ngay. Được Phú hỏi đến việc viết lịch sử xã, ông Bảo thật thà nói:
- Vấn đề tắc lại chính là ở chỗ ông bí thư đấy…
Phú tỏ ra không hiểu. Ông Bảo phải kể dài dài.
Hồi trước Cách mạng Tháng Tám, nhà ông Vỹ đói khổ lắm, có thể coi là đói khổ nhất làng. Ông nội ông Vỹ có sào đất cuối cùng phải bán gán nợ cho địa chủ. Gia đình ông không còn tấc đất cắm dùi, phải xin làng dựng một túp lều sau đình để ở, bên cạnh cái chỗ dân làng hay buộc trâu, chó ỉa. Quanh năm ông bà, rồi bố mẹ ông Vỹ phải đi làm thuê, cuốc mướn, ở đợ… Nhà ông nghèo đến nỗi, có thời ông nội và bố ông chỉ còn một bộ quần áo lành. Ai đi đâu mới được mặc. Còn thì dù kéo cày thay trâu dưới trời nắng chang chang cũng chỉ cởi trần, hoặc kết lá chuối khô làm áo tơi che nắng. Mẹ ông Vỹ thì đi làm thuê cho chánh tổng Bá, bị hắn cưỡng hiếp ngay tại chuồng trâu nhà hắn… Rồi hai đứa em ông Vỹ bị chết đói cùng một ngày… và còn nhiều chuyện xót xa hơn nữa. Đau đớn lắm! Không có cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất thì cuộc đời những người bần cố nông ấy còn phải oằn lưng làm kiếp nô lệ đến bao giờ…
Chuyện về gia cảnh ông Vỹ thực tình đến đấy Phú mới rõ. Ngồi nghe ông Bảo kể mà Phú cũng ướt cả hai hàng mi mắt. Lòng anh bừng bừng một nỗi căm uất. Sao mà cái chế độ phong kiến, thực dân xưa nó tàn ác thế, làm sao mà người dân ta ngẩng mặt lên được. Phú chớp chớp mắt nhìn ông Bảo thật thà nói:
- Thế thì có gì mà... tắc?
Ông Bảo nhíu mắt nhìn Phú, thốt lên:
- Trời. Cậu nghĩ đơn giản quá! Bây giờ ông ấy đường đường là một sĩ quan quân đội về hưu, là bí thư đứng đầu một xã của năm nghìn dân mà lôi chuyện ấy ra viết được à? Ông ấy “trù” cho thì chết!
- Thì bỏ qua đoạn ấy...
- Cũng không được... Chúng tôi tính cả rồi. Bố ông Vỹ sau này là đội trưởng đội du kích của xã, đánh đồn diệt bốt... trận nào cũng thắng. Ông cụ còn là người dẫn đầu đoàn quân kéo lên cướp chính quyền huyện, rồi phá kho thóc lẫm, giành rất nhiều thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám. Sau đó, ông vào bộ đội chủ lực, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trở thành một sĩ quan quân đội... Vì vậy vẫn phải kể thì mới làm nổi bật được sự vùng lên của ông cha ta chứ...
Phú ngẫm nghĩ rồi gật đầu:
- Thì cứ viết đúng như thế! Tính cao nhất của lịch sử phải là trung thực, khách quan mà...
Ông Bảo tặc lưỡi:
- Đã đành là thế... Nhưng chỉ sợ ông Vỹ hiểu lầm, cho là mình lấy cớ viết lịch sử để moi móc thân phận nghèo hèn, khốn khổ của ông ấy...
Phú khẽ thở dài rồi nói thêm:
- Chả phải riêng nhà ông Vỹ... ở cái thời mất nước, mất độc lập tự do, nhất là cái năm bốn nhăm ấy thì cả làng, cả nước mình khổ ải, nhục nhã như thế. Nào là khuynh gia bại sản. Nào là vợ đẹp thì bị cướp, con lớn thì phải bán hoặc cho đi ở đợ. Trai làng phải lang bạt kỳ hồ, bỏ làng đi phu phen, tạp dịch, đi cu ly hầm mỏ, vào làm tận đồn điền cao su trong Nam Kỳ... Như chị Dậu, anh Pha, Chí Phèo, những nhân vật trong truyện đấy... kể sao cho hết cảnh nô lệ lầm than... May nhờ có Đảng, có Bác dân ta mới được đổi đời. Những người nghèo khổ mới trở thành những người chiến thắng, trở thành những chủ nhân của đất nước độc lập, hoà bình...
Càng nói, Phú càng xúc động. Giọng anh có lúc nghẹn lại. Mãi lâu anh mới nói tiếp được:
- Truyền thống lịch sử của xã ta cũng vẻ vang lắm, anh hùng lắm. Thời đánh Tây có bao trang ngời ngời. Thời đánh Mỹ cũng bao trang rực rỡ. Ta không thể không viết được. Phải kể lại trung thực đầy đủ, để muôn đời con cháu biết mà vươn lên, mà phát huy...
Nghe Phú nói thế, ông Bảo tỏ ra hơi tự ái:
- Thì đấy... cậu giỏi, cứ viết đi. Nhưng tôi nói cho cậu hay, chớ nên coi thường các ông "lý trưởng, chánh tổng thời nay" nhé. Các ông ấy cũng "ghê gớm" lắm đấy. Để các ông ấy mếch lòng là "mệt" đấy...
Thế là Phú mạnh dạn viết. Càng viết anh càng thấy say sưa hào hứng. Và cũng nhờ “sà” vào chuyện viết lách này mà anh thêm hiểu bao nhiêu điều về truyền thống của quê hương mình. Ông Vỹ bảo anh cố gắng chừng ba tháng thì cho xin bản thảo, để in kịp thời chào mừng ngày Quốc khánh năm nay thế mà chỉ hơn hai tháng Phú đã sơ bộ viết xong. Anh viết rất trung thực, kể cả cảnh đời khốn khó của nhà ông bí thư. Một tối thứ bảy, anh "vác" tập bản thảo dày cộp đến nhà ông Vỹ.
Tay Phú run run đặt tập bản thảo lên bàn:
- Báo cáo với bác, em phải xếp hết mọi việc lại để tập trung cho việc này đây... đã viết sơ bộ xong... chỉ còn cái đoạn nói về nỗi khổ cực của dân ta thời đế quốc, phong kiến là em chưa được rõ lắm, vì chúng em là lớp hậu sinh... mong bác kể thêm cho để cuốn lịch sử xã ta thêm phần sinh động, hấp dẫn...
Nói xong Phú cũng thấy hồi hộp. Anh chú ý theo dõi xem thái độ của ông bí thư thế nào... Không ngờ ông Vỹ lại tỏ ra xúc động và gật đầu vui lòng kể. Ông kể về những cảnh đói khát, khổ đau của dân làng thời xưa. Ông nói sâu hơn về hoàn cảnh nhà ông, đúng như những lời ông Bảo đã kể với anh. Ông không hề tỏ ra e dè, giữ ý gì cả. Ông còn bảo đó là cái nhục, cái khổ của người dân mất nước, mất độc lập, tự do... không phải giấu. Cứ viết hết, viết đúng cho con cháu ngày nay được biết. Điều ấy càng làm cho ta thấy giá trị lớn lao của đất nước độc lập, càng thấm hơn công lao trời biển của Đảng, Bác...
Nghe ông Vỹ nói đến đâu Phú mừng đến đó. Cuối cùng, anh giơ hai tay nâng tập bản thảo đưa cho ông Vỹ, miệng cười vui:
- Thưa bác... thế thì em viết xong rồi đây ạ!
Ông Vỹ sững sờ nhìn Phú. Một lát sau, ông mới hiểu ra. Ông liền giơ tay chỉ Phú cười tươi:
- Cái... chú này... đến là láu cá... gì mà phải thăm dò? Thì ra mấy người viết trước chỉ e ngại chuyện nhà tôi thời xưa mà né tránh, mà bỏ dở phải không? Ngại gì?... Có kể lại thì mới lột được bộ mặt thật của phong kiến, đế quốc chứ... Tốt! Thật là tuyệt! Tôi biết ngay là chú làm được mà... Đúng là "hậu sinh khả uý"... Vậy là yên tâm rồi... Tuần sau chúng tôi sẽ cho mời huyện, mời ban tuyên giáo, mời các cụ lão thành cách mạng và những người hiểu biết về làng xã... thông qua. Rồi sẽ cho in luôn... Nếu có bổ sung, sửa chữa gì thì xin chú vui lòng sửa giúp nhé... đừng ngại, đến làm một bài thơ ngắn cũng phải sửa đi, sửa lại đỏ cả bản thảo ra nữa là... Cám ơn chú lắm...
Ông Vỹ nói một thôi, một hồi rồi với cái điếu cày "bắn" một điếu rít sòng sọc, như tự thưởng cho niềm vui của mình. Phú cũng không để đâu cho hết niềm vui. Cuối cùng nghe ông Vỹ nói về vấn đề thù lao, Phú khẽ khàng:
- Việc ấy cứ thong thả, bác ạ... Tiền nong thì rất quý... nhưng không phải là quan trọng đâu. Hoàn thành được công việc các bác tin cậy giao cho là em mừng rồi...
Truyện ngắn của THANH THẢN