Hằng ngày, trong căn gác của ngôi nhà số 1, đường Trần Thánh Tông, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) có một ông già gần 80 tuổi vẫn miệt mài ngồi bên máy tính chắt lọc từng con chữ để viết sử.
Ông Phạm Quý Mùi
Từ nhiệm vụ được giao những năm còn công tác, giờ đã nghỉ hưu, ông coi việc viết sử là trách nhiệm với thế hệ sau, thay cho lời tri ân của ông với mảnh đất nơi mình sinh ra.
Công phu tìm tư liệu
Ông già viết sử đó là Phạm Quý Mùi, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Hải Dương. Mở cho tôi xem cuốn “Thủ phủ xứ Đông” đang viết dở được hơn 100 trang, ông giãi bày: “Đây là cuốn sách mà những ngày qua tôi đang dồn tâm sức để hoàn thiện. Nội dung cuốn sách lịch sử này đề cập đến những nơi đã từng được chọn đặt thủ phủ của xứ Đông từ thời Hùng Vương cho tới nay như thành Dền (Tứ Kỳ), thành Vạn (Chí Linh), Mao Điền (Cẩm Giàng), Thành Đông…; giá trị chiến lược, quân sự của các vùng đất đó. Ý tưởng viết cuốn sách bắt nguồn từ sự kiện mở rộng địa giới hành chính và TP Hải Dương được công nhận đô thị loại I”.
Nghe ông nói và nhìn đống tư liệu lịch sử, các loại sách tham khảo chất đống trên bàn mới thấy công việc viết sử của ông nặng nhọc làm sao.
Sinh năm 1942 ở phường Thạch Khôi, được gia đình cho đi học, hiểu về lịch sử dân tộc, quê hương mình, ông vô cùng tự hào. Học sư phạm, ông về công tác tại ngành giáo dục TP Hải Dương trong những ngày máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Để vừa chiến đấu, vừa học tập, ông và các học trò phải tản cư về huyện Tứ Kỳ.
Năm 1975, ông được cử tham gia chi viện cho miền Nam. Sau 7 năm công tác tại Long An, năm 1982, ông rút về làm việc tại Văn phòng Thị ủy Hải Dương. Đây cũng là bước ngoặt đưa ông đến với công việc viết sử. Ông Mùi nhớ lại: “Với nhiệm vụ biên soạn lịch sử địa phương, năm1982, tôi được Thị ủy giao viết cuốn "Sơ thảo lịch sử Đảng bộ thị xã Hải Dương".
Việc thu thập tư liệu cho cuốn sách mất 6 năm, qua 3 lần hội thảo lấy ý kiến đóng góp mới hoàn thiện. Để viết cuốn sách này, nhiều tháng trời tôi phải xuôi ngược gặp gỡ nhân chứng, tìm tư liệu”. Những tháng năm đó, ông Mùi nhiều lần lặn lội lên Hà Nội gặp các cán bộ tiền bối đã gây dựng phong trào cách mạng của tỉnh và TP Hải Dương là các đồng chí: Trần Cung, Lê Thanh Nghị, Bạch Diệp…
Đặc biệt, để tìm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của TP Hải Dương, ông phải vào TP Hồ Chí Minh nửa tháng trời gặp các đảng viên đầu tiên là các ông Nguyễn Văn Sớ, Bùi Văn Giáp... Mỗi chuyến đi để lại trong ông biết bao dấu ấn sâu đậm. Ông Mùi kể: Trong những lần đi tìm tư liệu, kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất là lần vào Nam gặp bà Nguyễn Thị Hằng, chị ruột đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của TP Hải Dương. Sau khi nghe tôi trình bày lý do, bà Hằng khóc rồi lấy một tấm ảnh chân dung của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn đã ố mờ đưa cho tôi bảo: “Đây là bức ảnh duy nhất của cậu Mẫn mà gia đình tôi có được.
Hồi đó, bọn mật thám Pháp đem tấm ảnh này dán trước cửa nhà tôi với dòng chữ: Nguyễn Thượng Mẫn là tên cộng sản nguy hiểm đang bị truy nã. Ai che giấu sẽ bị trị tội. Sợ chúng bắt cậu ấy, tôi đã lén giật tấm ảnh giấu đi. Sau này, khi cậu ấy bị địch bắt và xử tử, gia đình tôi vào ngục lấy xác về mai táng. Còn bức ảnh, tôi âm thầm giữ đến tận bây giờ".
Bức ảnh chân dung đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn do bà Hằng tặng đã được đưa vào "Sơ thảo lịch sử Đảng bộ thị xã Hải Dương" xuất bản năm 1988.
Một kỷ niệm khác trong lần vào Nam tìm tư liệu mà ông Mùi nhớ mãi là khi gặp đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan, nguyên Bí thư Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương năm 1940-1941.
Gặp người đồng hương từ Bắc vào, ông Hoan nắm chặt tay không muốn rời, ánh mắt xúc động. Buổi đó, ông Hoan kể rất nhiều kỷ niệm về một thời hoạt động cách mạng đầy gian khổ.
Nghe ông Hoan kể, ông Mùi như thấy lại cuộc đấu tranh giành chính quyền vô cùng gian nan, khốc liệt của tỉnh ta. Trong đó, chi tiết đáng chú ý là buổi tối ngày 7.11.1940, ông Hoan cầm lá cờ đỏ búa liềm bí mật trèo lên cắm trên đỉnh tháp nước. Sáng hôm sau, ông còn dậy sớm hòa vào đám đông hả hê xem sự tức tối, giận dữ của đám thực dân. Lá cờ búa liềm tung bay trên đỉnh tháp nước ngày đó, giờ đã trở thành một biểu tượng cách mạng bất diệt của TP Hải Dương.
Một đời viết sử, tài sản của ông Phạm Quý Mùi là hàng chục đầu sách về lịch sử TP Hải Dương giá trị
Không chỉ công phu tìm tư liệu, mỗi chi tiết, câu chữ trong quá trình viết sử đều được ông Mùi chắt lọc kỹ lưỡng. Ông Mùi chia sẻ: Một trong những dấu ấn lịch sử sâu đậm trong tôi đó là sự kiện giải phóng TP Hải Dương sáng 30.10.1954. Hôm đó, bộ đội ta từ Gia Lộc rầm rập hành quân tiến vào tiếp quản TP Hải Dương.
Người dân hai bên đường đổ ra xem, hò reo chào đón. Khi đó, tôi mới là một cậu bé 12 tuổi, thấy trong đoàn bộ đội có mấy con voi liền cùng chúng bạn đi theo. Đoàn bộ đội ta tiến vào cửa ngõ thành phố rồi chia ra thành các nhánh đi tiếp quản các nhiệm sở. Còn lính Pháp sau khi bàn giao lầm lũi rút đi trong tư thế kẻ chiến bại. Hình ảnh đó được ông đưa vào trong các cuốn lịch sử viết về TP Hải Dương qua câu: “8 giờ 17 phút, tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đầu cầu Phú Lương”. Nó thể hiện mong muốn đuổi kẻ cướp nước ra khỏi quê hương từng giây, từng phút của người dân TP Hải Dương.
Âm thầm cống hiến
Từ công việc, qua thời gian, ông Mùi coi viết sử trở thành niềm đam mê, trách nhiệm với thế hệ sau. Kể cả sau này khi ông chuyển sang công tác tại ngành tuyên giáo, rồi Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Hải Dương, ngoài công việc, hằng ngày ông vẫn dành thời gian để tìm kiếm tư liệu phục vụ cho việc viết lách. Với sự lao động cần mẫn, miệt mài của ông và một số người khác, những cuốn sách lịch sử về TP Hải Dương lần lượt ra đời.
Năm 1994 cuốn "Lịch sử thị xã Hải Dương" do ông làm chủ biên ra mắt. Cuốn sách lấy nội dung cuốn "Sơ thảo lịch sử Đảng bộ thị xã Hải Dương" làm nền. Ngoài lịch sử Đảng bộ thị xã, đã mở rộng thêm lịch sử từ khi khởi lập Thành Đông năm 1804; các di tích lịch sử, di tích cách mạng; phố cổ; danh nhân văn hóa, danh nhân cách mạng. Đây là cuốn sử đầy đủ, toàn diện về thị xã Hải Dương.
Năm 1997, cuốn "Lịch sử thị xã Hải Dương tập 2" do ông làm chủ biên tiếp tục được ấn hành, hoàn thiện mốc lịch sử từ năm 1954-1997. TP Hải Dương đã căn cứ vào 2 cuốn sử này đặt tên cho nhiều đường phố ở thành phố là Nguyễn Trác Luân, Bạch Năng Thi, Nguyễn Thượng Mẫn, Phạm Ngọc Khánh, Đặng Quốc Chinh... Đặc biệt, căn cứ các dữ liệu lịch sử trong sách, TP Hải Dương đã chọn ngày 30.10 là mốc để kỷ niệm đồng thời sự kiện khởi lập Thành Đông và giải phóng TP Hải Dương.
Sau này, khi đã về nghỉ hưu, ông càng dành nhiều thời gian hơn cho việc viết sách hoặc làm cố vấn cho các cuốn sách liên quan đến lịch sử TP Hải Dương. Ông tham gia viết và chỉnh lý cuốn “Lịch sử Đảng bộ TP Hải Dương 1930-2015”, xuất bản năm 2017. Trong cuốn sách, các dữ liệu lịch sử được chỉnh sửa chính xác, trong đó tìm được ngày 26.8.1938 là ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của TPHải Dương. Ông cũng là người tham gia viết nhiều cuốn lịch sử Đảng bộ các phường của TP Hải Dương là Tứ Minh, Hải Tân, Thạch Khôi, Ngọc Châu...
Không chỉ viết lịch sử Đảng bộ, ông Mùi còn là tác giả, đồng tác giả của một số cuốn sách về địa chí, văn hóa. Ông Mùi tham gia viết 5 chương phần lịch sử và chính quyền trong bộ sách “Địa chí Hải Dương” 3 tập do Nhà xuất bản Quốc gia ấn hành năm 2008.
Ông cũng là người đề xuất ý tưởng và viết chính trong cuốn “Địa chí thành phố Hải Dương” 2 tập dày 1.000 trang xuất bản năm 2013. Gần đây nhất, ông vừa cho ra mắt cuốn "Di tích lịch sử, văn hóa TP Hải Dương". Cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc về các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu hoặc đã được xếp hạng của TP Hải Dương.
Một đời viết, tài sản của ông Phạm Quý Mùi là hàng chục đầu sách về lịch sử, văn hóa TP Hải Dương giá trị. Tuy vậy ông chưa khi nào bằng lòng với những gì mình đã cống hiến. Ông bảo: “Với tôi, TP Hải Dương còn nhiều thứ để viết lắm. Chỉ mong rằng mình còn sức khỏe và thời gian để làm nốt những điều còn trăn trở”.
NGỌC HÙNG