GS Nguyễn Xuân Hùng là người Việt Nam duy nhất lọt vào top 1% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020 do được trích dẫn nhiều nhất.
Clarivate Analytics (Mỹ) vừa công bố top 1% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020 do được trích dẫn nhiều nhất. Có hơn 6.000 nhà khoa học trên thế giới có ảnh hưởng nhất do được trích dẫn nhiều nhất (Highly Cited Researchers - HCR) năm 2020.
Đây là lần thứ 7 liên tiếp (2014-2020), GS Nguyễn Xuân Hùng có mặt trong danh sách bên cạnh một số nhà khoa học gốc Việt khác.
GS Nguyễn Xuân Hùng, 7 năm liên tiếp lọt top 1% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới
GS Nguyễn Xuân Hùng hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTECH (Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra ông cũng Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sejong (Hàn Quốc); Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ học Việt Nam…
Trong nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Xuân Hùng đã có hơn 170 bài nghiên cứu khoa học trên các tạp chí nằm trong danh mục ISI.
GS Nguyễn Xuân Hùng cho biết, ông có suy nghĩ là vẫn phải ưu tiên công việc và đẩy mạnh nghiên cứu ở trong nước, tuy nhiên cũng không từ bỏ những vị trí ở nước ngoài.
Ngoài ra, trong top 1% các nhà khoa học ảnh huởng nhất thế giới năm 2020 do Clarivate Analytics công bố, có một số nhà khoa học gốc Việt khác hiện đang công tác ở nước ngoài như GS Võ Văn Ánh (Đại học Kỹ thuật Swinburne, Úc); TS Trần Phan Lam Sơn (Viện nghiên cứu Vật lý và Hóa học RIKEN, Nhật Bản), GS Ngô Hữu Hào (Đại học Kỹ thuật Sydney, Úc); GS Đặng Văn Chí (Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig, Mỹ).
Theo công bố của Clarivate Analytics, năm 2020 có hơn 6.000 nhà khoa học đến từ 60 quốc gia và khu vực nằm trong top 1% ảnh hưởng nhất thế giới. Trong số này, có 26 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel.
Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu khi có 2.650 nhà khoa học chiếm 41,5% số người có trong top 1%. Các Đại học có nhiều nhà nghiên cứu nhất là Harvard 188 người, Viện Broad 61 người và Viện Công nghệ Massachusetts 53 người.
Trung Quốc có 770 nhà nghiên cứu nằm trong danh sách, tăng so với năm 2019 (chỉ có 636 người). Trong đó, các Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Chiết Giang có nhiều nhà nghiên cứu trong danh sách nhất.
Ở Đông Nam Á, Singapore được đánh giá vươn lên mạnh mẽ, đại diện là Đại học Công nghệ Nanyang và Đại học Quốc gia Singapore.
Ở Châu Âu, số lượng các nhà nghiên cứu ở Đức và Hà Lan cũng tăng so với năm ngoái.
Theo VTC