Người Việt đầu tiên giành học bổng bảo tồn nghệ thuật của Chính phủ Mỹ

18/06/2022 07:45

Vượt qua vòng phỏng vấn của Fulbright, Vũ Đỗ phải học thêm 16 tín chỉ hóa học để bảo đảm điều kiện đầu vào của trường nghệ thuật.

Trong 21 ứng viên nhận được học bổng Học giả Fulbright của phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam năm nay, Đỗ Bắc Vũ (Vũ Đỗ) là thành viên đặc biệt. Giám tuyển này là ứng viên đầu tiên của Việt Nam được trao học bổng Phục chế và Bảo tồn nghệ thuật (Art Conservation).

Tháng 7 tới, anh sẽ sang Mỹ học tại Buffalo State College, sau khi trải qua hành trình ứng tuyển hơn một năm và nỗ lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe của trường nghệ thuật.


Giám tuyển Vũ Đỗ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pennsylvania, Mỹ, chuyên ngành vật liệu sơn dầu, Vũ Đỗ trở về Việt Nam năm 2014. Mở studio giảng dạy về nghệ thuật, anh đồng thời quan tâm nghiên cứu hội họa cổ: hạt màu, sơn ta và làm phục chế.

Anh cũng có những dự án nghệ thuật cho cộng đồng và tham gia giảng dạy tại Đại học Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội). Mới đây anh làm giám tuyển của dự án Phan Kế An - Kho tàng ẩn dấu, chịu trách nhiệm tìm ra và phục chế bộ sưu tập này.

Đam mê với vật liệu trong nghệ thuật và quan tâm đến phục chế nhưng điều khiến Vũ Đỗ trăn trở là Việt Nam chưa có chương trình đào tạo bài bản và những người làm nghệ thuật lĩnh vực này rất ít. Sau nhiều năm theo đuổi, anh quyết định đi học ngành này để góp phần xây dựng nền tảng đào tạo chuyên gia phục chế về sau.

Mỹ chỉ có bốn trường dạy về phục chế và bảo tồn nghệ thuật gồm UCLA/Getty (chương trình kết hợp giữa University of California Los Angeles với Getty Institute), New York University, University of Delaware và Buffalo State College nhưng mỗi năm các trường chỉ nhận 8-10 ứng viên, khiến mức độ cạnh tranh trở nên khốc liệt.

Vũ Đỗ cho hay, cơ hội được nhận bằng hình thức nộp hồ sơ trực tiếp cho trường là mong manh nếu như anh không có thế mạnh nào đó. Sau khi xem video trên YouTube về một ứng viên người Bỉ từng xin học bổng Fulbright và đỗ chuyên ngành này, Vũ Đỗ thấy mình có cơ hội.

Học bổng này tài trợ cho các ngành thạc sĩ hai năm nhưng ngành của anh tối thiểu ba năm, trong đó có hai năm học, một năm thực tập ở bảo tàng, bảo vệ đề tài rồi mới tốt nghiệp. Sau khi chương trình duyệt danh sách trường, cơ hội của anh dần bị thu hẹp. Từ bốn trường, cuối cùng, anh chỉ còn một lựa chọn duy nhất là Buffalo State College.

Vũ Đỗ thuyết phục hội đồng tuyển sinh Fulbright bằng hồ sơ nghệ thuật tích lũy trong suốt hơn 7 năm. Anh cũng trình bày dự án Phan Kế An, khi đó mới chỉ nằm trên giấy, vì bị hoãn nhiều lần do dịch bệnh. Những bằng chứng anh đưa ra phù hợp với tiêu chí trao đổi học thuật và văn hóa giữa hai nước của học bổng Fulbright.

"Nhưng ngay cả khi đã được chương trình chấp nhận, tôi vẫn chưa thực sự đỗ học bổng này vì không biết liệu trường có đồng ý hay không", họa sĩ 33 tuổi chia sẻ.

Hệ thống các trường nghệ thuật của Mỹ tuyển sinh dựa trên những yêu cầu khắt khe như ứng viên phải có 16 tín chỉ hóa học, 16 tín chỉ lịch sử nghệ thuật hoặc nhân chủng học hay xã hội học, 16 tín chỉ về thực hành nghệ thuật, 400 tiếng thực tập ở bảo tàng... Vũ Đỗ học lịch sử nghệ thuật ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pennsylvania, có nhiều năm giảng dạy và sáng tác. Anh đáp ứng mọi tiêu chí, trừ môn hóa học.

Để qua được vòng hồ sơ, ứng viên cần có đủ mọi điều kiện, nhưng lúc ấy, Vũ Đỗ còn chưa có tín chỉ hóa học. Ban đầu, anh tính học hóa ở đại học Việt Nam nhưng sau buộc phải đăng ký học online một trường tại Mỹ do không tìm được chương trình phù hợp.

Thông thường, 16 tín chỉ môn hóa được học trong hai năm nhưng để kịp đủ điều kiện, anh chỉ có 9 tháng. Môn này có hóa đại cương 1, 2 và thí nghiệm nhưng vì học online nên trường phải gửi dụng cụ, hóa chất sang Việt Nam và yêu cầu Vũ Đỗ làm thí nghiệm, quay video rồi gửi lại.

Để được trường đồng ý, anh phải chứng minh năng lực qua portfolio (hồ sơ nghệ thuật) và thể hiện nỗ lực vượt khó. Bảo tàng ở Việt Nam không tuyển thực tập sinh như bảo tàng ở nước ngoài. Chương trình đào tạo ở đây cũng không có ngành bảo tồn.

"Không có những điều kiện ấy thì tôi tự tạo ra cơ hội học tập và trải nghiệm, chẳng hạn dự án Phan Kế An, nghiên cứu về sơn hay đến Đại học Dược học cách sử dụng kính hiển vi để chụp ảnh các hạt màu", Vũ Đỗ kể.

Trong cuộc phỏng vấn 40 phút với hội đồng 10 giáo sư của nhà trường hồi tháng 3 năm nay, anh phải chuẩn bị năm tác phẩm phục chế và sáng tác để chứng minh kinh nghiệm. Các slide ảnh trình bày có cảnh tượng Phật của các chùa, tranh cổ, hạt màu cổ mang đậm văn hóa Việt Nam khiến các giáo sư ấn tượng.

Một tuần sau, anh có thông báo được nhận vào trường.

"Tôi thở phào nhẹ nhõm vì khi ấy mới chính thức giành được học bổng Fulbright. Trường chấp nhận để tôi học hóa tiếp và nộp kết quả trước khi nhập học. Tôi được xem là trường hợp ngoại lệ", Vũ Đỗ chia sẻ.

Tiến sĩ Bettina Ebert, Bảo tàng Khảo cổ, Đại học Stavanger, Nauy, là người theo sát bước đường của Vũ Đỗ.

"Tôi rất tự hào về thành quả Vũ đạt được và cảm thấy hạnh phúc. Nhận học bổng Fulbright và được chấp nhận vào chương trình bảo tồn ở Mỹ là một quá trình vô cùng cạnh tranh. Vũ đã rất nỗ lực và chăm chỉ để đạt được điều đó", bà Ebert nói.

Theo tiến sĩ, các ứng viên trúng tuyển chương trình này phải thể hiện kiến thức trong ba lĩnh vực chính: lịch sử nghệ thuật, hóa học và mỹ thuật. Chuyên gia tin rằng chương trình sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Vũ Đỗ cũng như cho Việt Nam về lâu dài. Việc tăng cường các kỹ năng bảo tồn để hỗ trợ việc bảo tồn nghệ thuật Việt Nam trong tương lai là vô cùng quan trọng.

Bà ấn tượng về sự quyết tâm của họa sĩ Việt trong việc theo đuổi các khóa Hóa học điều kiện. "Vũ Đỗ chăm chỉ và tận tâm. Tôi tin chắc rằng cậu ấy sẽ rất thành công trong học tập và sự nghiệp sau này", tiến sĩ Ebert nhận xét.

Vũ Đỗ ví hành trình chinh phục Fulbright của anh giống như "đi trên dây", mạo hiểm và khó giữ thăng bằng nhưng nhìn thấy con đường nên anh quyết tâm đi đến cùng.

"Tôi chỉ có một cơ hội duy nhất nên phải cố gắng mỗi ngày. Đó là một hành trình dài nhưng xứng đáng", Vũ Đỗ nói.

Từ năm học này, Buffalo State College nâng cấp chương trình thạc sĩ bằng kép, do đó lúc tốt nghiệp, sinh viên sẽ có hai bằng thạc sĩ về phục chế nghệ thuật và bảo tồn di sản (Master of Art) cùng M.S (Master of Science) về khoa học phục chế và hình ảnh.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt đầu tiên giành học bổng bảo tồn nghệ thuật của Chính phủ Mỹ