Sẵn sàng trả cao từ 30%, thậm chí 50% so với ngày thường, yêu cầu ở khách sạn 4-5 sao, chất lượng bữa ăn cao... người Việt đang cho thấy ngày càng hào phóng với các tour du lịch trong mùa tết năm nay.
Du khách Việt đi du lịch ngày tết
Theo các công ty du lịch, đến thời điểm này dù số tour bán ra chỉ tăng khoảng 5% so với mùa tết trước nhưng doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Giá cao, tour tết vẫn nhộn nhịp
Theo các doanh nghiệp, nếu những năm trước mức chi phí phổ biến mà người Việt sẵn sàng bỏ ra để du lịch tết tầm 10-12 triệu đồng/người thì năm nay khả năng chi trả đã lên 15-20 triệu đồng/người.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty dã ngoại Lửa Việt, cho biết đây là xu hướng phát triển tất yếu khi đời sống càng cao kéo nhu cầu về du lịch càng phát triển, người dân trân trọng khoảng thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình nhiều hơn và họ muốn đầu tư xứng đáng cho các kỳ nghỉ.
"Xu hướng đi du lịch đã thay đổi, không phải đi "cho biết" như trước đây mà đi du lịch là để nghỉ ngơi, hưởng thụ. Ngay cả đi du lịch trong nước, khách đi tour cũng chủ động đề xuất ở khách sạn 4-5 sao, nhà hàng chất lượng cao" - ông Mỹ nói.
Ghi nhận tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy phần lớn các tour đi nước ngoài đường xa gần như đã chốt sổ và được bán sạch. Trước đó, để khuyến khích khách hàng đặt mua sớm, nhiều doanh nghiệp đã tung ra các gói ưu đãi cho những khách hàng đầu tiên với mức giảm 1-15 triệu đồng/tour.
Giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở TP Hồ Chí Minh cho biết điều rất ngạc nhiên là cứ 10 khách hỏi tour nước ngoài thì có đến bảy người hỏi với giá tour trên 15 triệu đồng thì đi những nước nào. Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel, ngoài người dân trong nước đi du lịch, nguồn khách Việt kiều về quê ăn tết khá đông do Tết dương lịch và Tết Nguyên đán cùng rơi vào một tháng.
"Ngoài việc về thăm gia đình, Việt kiều thường có thêm kế hoạch đi du lịch trong nước hoặc các nước trong khu vực với các thành viên khác trong gia đình. Đó là lý do vì sao tour nội địa năm nay bán khá tốt, và những tour cụm gần như các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng sớm cháy hàng" - bà Hoàng cho biết. Hiện doanh nghiệp này có khoảng 80 sản phẩm tour trong nước và gần 300 tour đi nước ngoài và hoàn thành gần 85% chỉ tiêu mùa tết đề ra.
Thị hiếu du lịch cũng thay đổi
Theo ghi nhận, giá tour tuyến gần như Thái Lan, Singapore... ở mùa tết năm nay đều cao hơn so với ngày thường từ 30-35%. Chẳng hạn, một số tour đi Thái Lan những ngày trong năm chỉ 6,5-9 triệu đồng/người nhưng trong những ngày tết lên tới 11-13 triệu đồng/người do giá vé máy bay tăng cao. Đặc biệt, các tour khởi hành ngày đẹp như mùng 2 tết giá cao hơn ngày thường gần 40%.
Ông Nguyễn Minh Bảo, Giám đốc Công ty du lịch Tugo, cho biết tâm lý sẵn sàng trả giá cao hơn cho những đường tour tưởng chừng rất phổ biến như Hàn Quốc, Đài Loan... của du khách Việt bắt nguồn từ việc thay đổi nhận thức về khái niệm tour cao cấp. Đó không hẳn phải là những tour giá phải quá cao hay dịch vụ độc đáo, sang chảnh.
"Tour cao cấp được hiểu là khách được bay hãng hàng không quốc gia, ở một khách sạn 4-5 sao chuẩn quốc tế, có hướng dẫn viên kinh nghiệm lâu năm ở thị trường điểm đến, được phục vụ bữa ăn chất lượng, đa dạng và cuối cùng là chi phí phải đóng một lần mà không phát sinh chi phí nào nữa suốt chuyến đi (trừ mua sắm). Với khái niệm này, người Việt chọn mua các dòng tour cao cấp ngày càng nhiều" - ông Bảo cho biết.
Theo các doanh nghiệp cho biết, trước đây khi chọn tour, khách đến các công ty du lịch chỉ hỏi: "Tôi muốn đi Mỹ, đi Pháp thì có tour gì?" chứ ít khi hỏi thêm sẽ bay hãng nào, ở khách sạn nào, ăn món ăn gì? Người đi du lịch lúc đó cũng không hình dung sẽ hưởng những dịch vụ, trải nghiệm ra sao, nhưng hiện nay đang có những thay đổi trong nhận thức khi mua tour tuyến, tìm hiểu sản phẩm du lịch mình chọn.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng thừa nhận dù sức mua tốt nhưng kinh doanh du lịch mùa tết chưa bao giờ "dễ ăn", thậm chí còn vô vàn cái khó, rủi ro. Ngoài vấn đề visa một số nước đang siết cấp cho du khách Việt Nam khiến thời gian kéo dài, đội chi phí thì vấn đề đặt phòng, đặt vé máy bay trong mùa cao điểm cũng không dễ, chưa kể giá cả cũng khá "chát".
Nếu không tính toán khéo, doanh nghiệp vẫn có thể lỗ ngay ở mùa làm ăn lớn nhất năm. "Cũng từng đó khách sạn, số vé máy bay nhưng nhu cầu tăng cao nên giá bị đẩy lên. Vé máy bay nhiều chặng phải đi đường "chợ đen" mới có được" - giám đốc một doanh nghiệp cho biết.
Theo Tuổi trẻ