Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận - người vẽ Huy hiệu Đoàn sinh năm 1921, quê Gia Định-Sài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình không có truyền thống hội hoạ. Khi vẽ mẫu Huy hiệu Đoàn ông 31 tuổi.
|
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận
|
Những ngày đầu xuân năm 1951, tại khu rừng sâu thuộc chiến khu Việt Bắc ở thôn Đức Lương (Đại Từ, Thái Nguyên), nhân có Hội nghị Đại biểu các cán bộ Đoàn toàn quốc, đồng chí Nguyễn Lam lúc đó là Bí thư Trung ương Đoàn trao nhiệm vụ cho một nhóm hoạ sĩ sáng tác “mẫu Huy hiệu Đoàn", và phải thực hiện ngay để có cơ hội trưng cầu ý kiến các đại biểu.
Nhóm hoạ sĩ tham gia vẽ Huy hiệu Đoàn đa số là những người còn trẻ, đang ở tuổi đoàn như: Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Tôn Đức Lượng, Huỳnh Văn Thuận... Ai cũng háo hức, trăn trở tìm biểu tượng, màu sắc để thể hiện. Qua 2 ngày họ đã thể hiện 30 mẫu vẽ với nội dung đặc tính thanh niên. Vẽ được bức nào treo ngay ở hội trường để giờ giải lao các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.
Trong số 30 mẫu, có một mẫu mà qua biểu tượng và đường nét đã thể hiện được ý tưởng “Đoàn thanh niên là cánh tay, đội hậu bị của Đảng...” của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận: Biểu tượng cánh tay mạnh mẽ, khoẻ khoắn cầm cờ đỏ sao vàng trên nền xanh. Mẫu đó được đa số đại biểu tán thành, nhưng hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận vẫn chưa thực sự hài lòng, ông muốn mẫu vẽ đó phải đẹp hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa. Nghĩ vậy, ông đề nghị đồng chí Nguyễn Lam đệ trình lên Bác Hồ xem. Ngay sau đó đồng chí Nguyễn Lam trở về báo tin vui là Bác khen : “Hay lắm, rất nên”. Và chỉ hai ngày sau, Trung ương Đoàn nhận được công văn của Bác Hồ gửi xuống với nội dung: “Đoàn thanh niên là cánh tay, đội hậu bị của Đảng, Huy hiệu thanh niên tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên...”, và mẫu Huy hiệu đoàn chính thức được công nhận.
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận - người vẽ Huy hiệu Đoàn sinh năm 1921, quê Gia Định-Sài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình không có truyền thống hội hoạ. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1944, tham gia cách mạng ở Hà Nội rồi ra Việt Bắc tham gia kháng chiến. Khi vẽ mẫu Huy hiệu Đoàn ông 31 tuổi, là Trưởng phòng Hội hoạ Trung ương Đoàn. Ông từng đảm nhiệm chức vụ: Cục trưởng Mỹ thuật- Bộ Văn hoá, sau chuyển sang Hội Mỹ thuật. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt trong hai lĩnh vực sơn khắc và cổ động.
LÊ HỒNG BẢO ANH