Mỗi khi tiết xuân bao phủ đất trời, đường về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Sinh - đền Hóa cũng nô nức dòng người trảy hội, du xuân.
Ông Trạnh sưu tầm các điệu văn cổ
Không khó nhận ra những canh hầu trên đền Hóa bởi tiếng hát văn hòa cùng tiếng đàn sáo, trống phách rộn rã một vùng. Dưới chân đền, trong căn nhà ngói đơn sơ, có một người say sưa nghe hát. Đó là ông Phạm Văn Trạnh, 79 tuổi, người có công truyền dạy hát văn trở thành "bảo bối kiếm cơm" của cả làng An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh).
Duyên nợ
Tuổi đã cao, tiếng hát không còn tròn vành song nói đến hát văn là thần thái ông Trạnh lại hoạt bát lạ kỳ. Ông bảo không cần thấy mặt vẫn nhận ra giọng hát, tiếng đàn, sáo của từng học trò. Đây là đoạn ngợi ca đức thánh Phi Bồng ông viết lời dạy cho các trò trước đây: “Dấu thiêng truyền mãi đất An Mô/Non nhạc hóa sinh có một giờ/Toang đá sinh thần lừng vũ trụ/Bay tàu qua núi đuổi quân Ô...”.
Ông Trạnh đến với hát văn như duyên nợ. An Mô vốn là vùng đất của lễ hội bởi trên địa bàn có đền Sinh - đền Hóa thờ mẫu đá và đức thánh Phi Bồng. Trong lễ hội truyền thống, hát văn hầu thánh đóng vai trò quan trọng và là lệ xưa đã được ghi trong ngọc phả. Sống trong không gian tâm linh đó, niềm đam mê hát văn của ông Trạnh nảy nở tự nhiên như bất kỳ người dân nào nơi đây. Ông mê hát văn đến độ từ bé mỗi lần đền có buổi hầu là trốn đi xem bằng được. Những tháng năm trong quân ngũ, cái chết cận kề, song không lúc nào ông nguôi nhớ tiếng hát văn. Khi xuất ngũ về địa phương, ông xin đất dưới chân đền làm nhà để hằng ngày được nghe hát văn. Hiếm có buổi hầu nào tại đền mà ông vắng mặt.
Nhưng hát văn An Mô không có thầy truyền nghề nên ai yêu bộ môn này chỉ tự học qua các dịp lễ hội của địa phương và qua các cung văn bốn phương tụ về. Bản thân ông Trạnh cũng vậy, sau mỗi buổi hầu, về nhà ông lấy giấy bút ghi lại lời văn rồi bắt chước hát theo. Ngay cây đàn nguyệt ông cũng phải tự mày mò làm lấy. Rồi ông sưu tầm các điệu văn cổ, sáng tác các tích, các bài hát mới theo sử. Dần dần, ông trở thành cung văn có tiếng với ngón đàn, tiếng hát điêu luyện. “Hữu xạ tự nhiên hương”, rất đông học trò trong làng, học trò xa gần nghe tiếng ông mà tìm đến học nghề.
Ông dạy theo lối truyền khẩu, nôm na, cầm tay chỉ việc. Các nhạc cụ trong quá trình học là đàn nguyệt, trống con, cảnh đôi, phách, nhị, sáo, tiêu. Trước hết, học trò được tìm hiểu các tích sử, các điệu trong hát văn, sau là học bấm đàn, gõ nhịp, kéo nhị, thổi sáo và gẩy đàn. Nơi tập là bất cứ đâu, thậm chí khi nấu cơm thầy trò dùng đũa gõ lên kiềng bếp để dạy nhau.
Không còn lo thất truyền
Ngày đó, ông Trạnh truyền nghề song không yêu cầu học trò đóng góp gì. Có đợt học trò đến học nghề chật nhà, bữa ăn ngồi đẫy ba mâm cơm. Ông Trạnh chia sẻ: “Người có năng khiếu thì học một năm, không thì vài ba năm, thậm chí lâu hơn. Những người đi trước giấu nghề là điều không hiếm bởi sưu tầm trọn vẹn một điệu văn cổ không phải chuyện dễ. Còn tôi thâu nhận học trò là bởi suy nghĩ nếu lớp người như mình qua đi thì truyền thống xưa có nguy cơ biến mất”.
Đến nay, ông Trạnh đã truyền nghề cho khoảng 120học trò. Trong đó, làng An Mô hơn 20 người, trong vùng vài chục người, còn lại là ở các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thái Bình, thậm chí cả ở đất hát văn Phủ Dầy (Nam Định). Dịp lễ, Tết hoặc những độ thầy đau ốm, học trò khắp nơi vẫn nhớ ơn nghĩa xưa tìm về thăm.
Giờ già yếu, giọng hát không còn thanh trong nên từ lâu, ông Trạnh không còn động đến đàn và không nhận học trò. Thế nhưng việc làm đó vẫn được các học trò của ông đảm nhiệm. Riêng làng An Mô hiện có hàng chục cung văn có khả năng truyền nghề như Phạm Ngọc Miền (con út của ông Trạnh), Hoàng Văn Khải, Phạm Văn Tâm, Phạm Văn Quyết... Mỗi lần học trò cũ thâu nhận học trò mới vẫn có lễ đến báo cáo và xin phép thầy.
Anh Phạm Văn Tâm ở thôn An Mô thuộc lớp học trò đầu của ông Trạnh. Sau 25 năm hành nghề, không chỉ đi hát, anh còn truyền nghề cho hơn 20 học trò. Anh chia sẻ: “Ngày trước, thầy tôi luôn lo lắng hát văn ở An Mô sẽ mai một. Nhưng qua thời gian, người biết nghề dạy người không biết, lớp đi trước dạy lớp đi sau, nay hát văn An Mô đã phát triển rộng rãi, không lo thất truyền nữa rồi. Giờ khắp các di tích trong Nam ngoài Bắc đều có cung văn người An Mô hành nghề”.
Hiện nay, 5 thôn của xã Lê Lợi đều có người hành nghề hát văn. Trong đó, riêng An Mô có khoảng 50 cung văn. Thế nhưng ở tuổi gần đất xa trời, cuộc sống của ông Trạnh vẫn đầy khó khăn. Năm 2017, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đón bằng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngành văn hóa tỉnh đã có các cuộc khảo sát để bảo tồn và phát huy di sản vùng đất này gắn với phát triển du lịch. Hy vọng tới đây, hát văn ở An Mô sẽ tìm được vị thế xứng đáng, được công nhận làng nghề và những đóng góp của ông Phạm Văn Trạnh sẽ được nhìn nhận.
NGỌC HÙNG
Hát văn còn gọi là chầu văn hay hát bóng. Đây là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền gắn liền với nghi thức hầu đồng. Hát văn gồm ba loại là hát thi, hát văn thờ và hát văn hầu. Hát thi thường thể hiện ở các cuộc so tài. Hát văn thờ biểu diễn vào các dịp lễ hội ở đình chùa, ngày rằm, mùng một, tất niên và hát trước khi hầu thánh. Hát văn hầu được thể hiện trong các giá hầu thánh. Hát văn có 13 lối hát, đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm, Dồn. Tùy theo từng lễ hội mà sử dụng lối hát phù hợp. Trong quá khứ, cùng với hầu đồng, hát văn từng bị kỳ thị, coi là mê tín. |