Đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và nhiều thế hệ học sinh biết tiếng và thầm nể phục cô giáo Phạm Thị Khơi, giáo viên Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc).
Ngay từ nhỏ, cô bé Khơi đã nuôi cho mình ước mơ trở thành cô giáo. Năm 1998, cô Khơi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm môn ngữ văn và về giảng dạy ở Trường THCS Đoàn Thượng. Từ năm 1990 đến nay, cô được chuyển về công tác tại Trường THCS Quang Minh, quê hương của mình.
|
Với cô Khơi, môn ngữ văn không khó, nhưng để gợi được niềm say mê cho các em học sinh lại không phải là điều đơn giản. Với kinh nghiệm của mình, cô không chỉ dạy các em những kiến thức trong sách giáo khoa, mà còn gợi mở nhiều vấn đề mới liên quan trong chương trình học để các em tìm hiểu thêm, từ đó tìm thấy hứng thú với môn học. Bất cứ học sinh nào khi cần trao đổi thêm về kiến thức đều được cô dành thời gian giải đáp, chỉ bảo tận tình. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô đều giúp đỡ, bảo ban như một người mẹ thứ hai. Cô đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu những kiến thức bộ môn, những kinh nghiệm vốn có của mình để tổ chức chuyên đề ngoại khóa môn ngữ văn, thu hút được nhiều học sinh tham gia. Hầu như năm nào, đội tuyển môn ngữ văn lớp 9 của cô cũng đạt thứ hạng cao trong huyện, năm sau cao hơn năm trước. Đồng đội học sinh của trường nhiều năm liền xếp thứ nhất trong tổng số 23 trường THCS trong huyện. Tuy không phải trường chuyên của huyện nhưng tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ vào THPT hệ công lập luôn đạt kết quả cao, nhiều năm liền đứng đầu trong tổng số 23 trường trong huyện. Là Tổ phó Tổ Khoa học xã hội, cô cùng với tổ trưởng xây dựng kế hoạch hoạt động cả năm, từng tháng, từng tuần và tích cực kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện nền nếp chuyên môn của các giáo viên trong tổ. Trong mỗi năm học, tổ mở từ 2 đến 3 chuyên đề với mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chuyên môn.
Từ năm 2008 đến nay, cô Khơi đã cùng với các giáo viên trong tổ triển khai thực hiện có hiệu quả 10 chuyên đề, trong đó 4 chuyên đề đổi mới phương pháp do cá nhân cô trực tiếp viết và báo cáo được nhà trường đánh giá cao. Cô đã cùng với giáo viên nhóm ngữ văn tổ chức tốt các hoạt động ngoại khoá văn học mỗi năm 1 lần với các đề tài bám sát chương trình chính khoá. Tổ chức cho học sinh viết bài cho báo “Hoa Nắng” của nhà trường. Các hoạt động này giúp học sinh củng cố và mở rộng kiến thức, kỹ năng. Nhiều năm liền, cô Khơi có sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp huyện và cấp tỉnh. Các đề tài: “Sửa lỗi dùng từ cho học sinh trong các tiết trả bài tập làm văn”; “Dạy các văn bản nhật dụng trong trường THCS gắn với đời sống”; “Rèn kỹ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 9 góp phần nâng cao chất lượng thi vào THPT” của cô Khơi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đánh giá cao.
Năm 2013, cô giáo Phạm Thị Khơi vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
HỒNG LỰU