Ô tô

Người trúng đấu giá biển 51K-888.88 hơn 32 tỷ đồng chưa nộp tiền

Theo VnExpress 02/10/2023 17:14

Ba người trúng đấu giá biển số 51K-888.88, 30K-555.55 và 30K-567.89 với tổng gần 60 tỷ đồng chưa nộp tiền song đã liên hệ Cục Cảnh sát giao thông hỏi thủ tục.

Ngày 2/10, tại cuộc họp báo quý do Bộ Công an tổ chức, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục Phó Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, cho biết từ 15 đến 30/9 có 493 biển số đẹp đã được tổ chức đấu giá trực tuyến, tạm tính số tiền thu về 214 tỷ đồng. Tất cả khách hàng sau khi trúng đấu giá đã ký biên bản xác nhận thể hiện nhu cầu "là rất thật".

Trong các phiên đấu giá, buổi đầu tiên (15/9) gây chú ý nhiều nhất về mức tiền được trả qua 11 biển số, tổng cộng hơn 82 tỷ đồng. 5 người đã nộp tiền. Tướng Đức cho biết trong 6 người chưa nộp, ba người trúng đấu giá biển số 51K-888.88 (32,34 tỷ đồng), 30K-567.89 (13 tỷ đồng) và 30K-555.55 (14,12 tỷ đồng) đã liên hệ với Cục Cảnh sát giao thông để "tìm hiểu các bước tiếp theo về quy trình, thủ tục pháp lý".

Biển 51K-888.88 đang giữ kỷ lục trúng đấu giá cao nhất. Việc đấu giá biển này cũng sôi động nhất khi chưa đầy 10 phút đã chạm mốc 10 tỷ đồng. Những phút cuối cùng, bước giá tăng vọt và chốt cuối phiên với mức giá hơn 32 tỷ đồng, sau 427 lượt trả.

Ông Đức không nói rõ về thời hạn cuối cùng những người trúng đấu giá phải nộp tiền nhưng cho rằng điều này phụ thuộc "sự tự tôn pháp luật và danh dự của khách hàng", bên cạnh quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan đã được giao kết trước khi tham gia đấu giá.

Biển số 51K-888.88 được nhiều người trả đấu giá. Ảnh: Phạm Dự

Biển số 51K-888.88 được nhiều người trả đấu giá

Hiện 76 người hoàn thành nghĩa vụ tài chính với 16 tỷ đồng và 3 người đã đăng ký xe. Một trong những người nộp tiền đầu tiên là anh Nguyễn Thạc Đức, 46 tuổi, trú Hà Nội, trúng đấu giá biển 99A-666.66 với 4,27 tỷ đồng.

Anh Đức chia sẻ ban đầu chỉ định trả khoảng 3 tỷ đồng nhưng "vì đam mê" biển ngũ quý lộc này đã theo đến cùng. Sáng 29/9, anh đến Cục Cảnh sát giao thông để nhận biển lắp vào chiếc Mercedes GLS 400.

Từ 15 đến 29/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, đơn vị được Bộ Công an lựa chọn, đã tổ chức đấu giá hơn 490 biển số và trong 17 ngày tới sẽ đưa ra tiếp 1.500 biển. Danh sách biển số được niêm yết công khai.

Những ngày đấu giá vừa qua, nhiều lần hệ thống hiện ra kết quả "trúng đấu giá là 0 đồng". Cục Cảnh sát Giao thông giải thích đây được xác định là cuộc đấu giá không thành, không xác định được người trúng, nghĩa là có nhiều hơn một người đăng ký tham gia đấu giá nhưng không ai trả giá. Biển số vì thế sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để cấp ngẫu nhiên theo quy định.

Với một số biển trúng đấu giá ở mức 40 triệu đồng nghĩa là chỉ có một người đăng ký đấu giá nên biển số đó được chuyển nhượng cho người này bằng giá khởi điểm.

Phòng giám sát đấu giá biển số của Cục Cảnh sát giao thông. Ảnh: Bộ Công an

Phòng giám sát đấu giá biển số của Cục Cảnh sát giao thông

Theo quy định về đấu giá, trong 15 ngày kể từ khi có thông báo kết quả, người trúng phải nộp toàn bộ tiền, sau khi đã trừ khoản đặt trước, vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Nhận đủ tiền, Bộ Công an sẽ cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công là biển số cho người trúng đấu giá để họ làm thủ tục đăng ký xe. Thời hạn để làm thủ tục đăng ký xe gắn biển trúng đấu giá là 12 tháng.

Người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời hạn 15 ngày hoặc không làm thủ tục đăng ký biển số trong 12 tháng thì kết quả đấu giá bị hủy. Người vi phạm sẽ không được trả lại tiền cọc (40 triệu đồng) hoặc tiền trúng đấu giá đã nộp. Biển số trúng đấu giá nhưng bị hủy kết quả như trên sẽ được đưa ra đấu giá lại. Biển đưa ra đấu giá nhưng không có người tham gia sẽ thu hồi về kho số để cấp ngẫu nhiên.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người trúng đấu giá biển 51K-888.88 hơn 32 tỷ đồng chưa nộp tiền