Người trúng biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền sẽ bị cấm tham gia đấu giá 12 tháng, theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ tiền trong 30 ngày từ khi có thông báo kết quả. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe.
Sau thời hạn nêu trên, người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền thì biển số xe sẽ được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. Đồng thời, người trúng đấu giá không được hoàn trả tiền đặt trước, tiền đã nộp và không được tham gia đấu giá biển số xe trong 12 tháng.
Người trúng đấu giá phải làm thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trong 12 tháng, trường hợp bất khả kháng được kéo dài thêm 6 tháng. Quá thời hạn này, biển số xe được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký. Người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đã nộp.
Đây là điểm của luật mới so với nghị quyết của Quốc hội giữa năm 2023, đang được áp dụng. Theo nghị quyết này, người trúng đấu giá bỏ kết quả đợt trước vẫn được đăng ký đấu giá đợt sau.
Thời gian qua, nhiều người trúng đấu giá biển số xe hàng chục tỷ đồng nhưng không nộp tiền. Tháng 9 năm ngoái, một người chốt biển số 51K-888.88 giá hơn 32 tỷ đồng nhưng không nộp tiền. Một tháng sau, biển số này được đấu giá lại với giá 15,2 tỷ đồng.
Tháng 10/2023, biển số 30K-999.99 được trả hơn 75 tỷ đồng, mức kỷ lục từ khi mở đấu giá biển số xe, nhưng người trúng không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, kết quả bị hủy. Ba tháng sau, biển số này được đấu giá lại và chốt 30,6 tỷ đồng.
Theo luật mới, người trúng đấu giá được đăng ký biển số xe gắn với phương tiện của mình tại nơi trúng đấu giá hoặc nơi thường trú, tạm trú, trụ sở của tổ chức trúng đấu giá. Họ cũng được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn với biển số xe trúng đấu giá.
Trong 30 ngày từ khi có kết quả mà chưa được xác nhận cấp biển số, nếu người trúng đấu giá chết thì kết quả bị hủy và người thừa kế của họ được nhận đủ số tiền đã nộp. Trong 12 tháng, nếu người trúng đấu giá chết mà chưa gắn biển số xe, kết quả trúng đấu giá cũng bị hủy và người thừa kế của họ được nhận lại tiền đã nộp.
Luật mới cũng mở rộng đấu giá với biển số xe mô tô, xe máy thay vì chỉ đấu giá biển số ôtô như hiện nay. Giá khởi điểm biển số ôtô 40 triệu đồng, xe máy 5 triệu đồng. Tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm.
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết bước giá, hình thức, phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe.
Hồi tháng 5, Bộ Công an - Cơ quan soạn thảo dự luật từng giải thích, thời gian qua mới chỉ đấu giá biển số ôtô nền trắng, chữ và số đen, chưa áp dụng rộng rãi với xe máy nên chưa đáp ứng hết nguyện vọng sở hữu biển số theo ý thích của người dân.
Sau khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đang dự thảo nghị định về đấu giá biển số xe, trong đó đề xuất bước giá với ôtô là 5 triệu đồng, xe máy 500.000 đồng.
Bộ Công an cũng đề xuất truất quyền tham gia đấu giá với người cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật hoặc dùng giấy tờ giả đăng ký; thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả.
Người cản trở hoạt động đấu giá hoặc dùng công cụ tác động đến quá trình trả giá hay kết quả cuộc đấu giá; gây nhiễu loạn cuộc đấu giá; cho người khác truy cập, tham gia trả giá từ tài khoản đăng nhập của mình mà không có ủy quyền hợp lệ; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người khác làm sai lệch kết quả đấu giá, cũng bị truất quyền tham gia đấu giá biển số xe.
VN (theo VnExpress)