Người trồng mủa ở Hiến Thành vượt khó

03/05/2020 07:06

Sau Tết, giá mủa bắt đầu giảm dần. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, giá mủa giảm sâu hơn.

Người trồng mủa ở phường Hiến Thành (Kinh Môn) không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19

Người trồng, sơ chế mủa ở phường Hiến Thành (Kinh Môn) đã có những biện pháp phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giá mủa tươi giảm

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người dân phường Hiến Thành bán mủa với giá 10.000 đồng/kg, tương đương với vụ mủa năm trước. Sau Tết, giá mủa bắt đầu giảm dần. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, giá mủa giảm sâu hơn. 

Gia đình bà Nguyễn Thị An ở khu dân cư Mỹ Động có 3 sào mủa. Do cây mủa là nguồn thu nhập chính của gia đình nên dù giá xuống thấp bà vẫn cắt để bán. "Mấy hôm trước tôi bán mủa chưa làm sạch với giá 5.000 đồng/kg, còn hiện nay được 7.000 đồng/kg; nếu làm sạch thì được 8.000 đồng/kg. Năng suất mủa đạt 1 tấn/sào. Mặc dù giá giảm so với trước nhưng sau khi trừ chi phí, gia đình tôi vẫn còn lãi 5 triệu đồng/sào", bà An nói.

Theo một số người trồng mủa, có thời điểm giá mủa trên địa bàn phường chỉ từ 2.000-2.500 đồng/kg nên với giá bán hiện nay, người trồng mủa khá yên tâm. Vừa nhanh tay tưới nước cho ruộng mủa mới trồng, ông Nguyễn Văn Thắng ở khu dân cư An Thủy cho biết: "Gia đình tôi vừa bán 2 sào mủa với với giá 7.000 đồng/kg. Mặc dù giá giảm nhưng chúng tôi vẫn có lãi nên không lo lắng lắm. Chúng tôi hy vọng với sự kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay, việc tiêu thụ hàng hóa sẽ còn thuận lợi hơn".  

Sấy khô cất giữ

Những loại cây trồng khác như chuối, quất, ổi... khi đến kỳ thu hoạch thì bắt buộc người dân phải thu hoạch nếu không sẽ bị hỏng và chấp nhận bán rẻ, thậm chí không bán được. Riêng người trồng mủa thì lại khác bởi cây mủa chủ yếu được các cơ sở sơ chế thu mua sấy khô, bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nên nếu thị trường gặp khó, họ có thể không xuất bán ngay mà để lại chờ lúc được giá mới bán.

Gia đình ông Đinh Văn Ngân ở khu dân cư Huyền Tụng có cơ sở sấy mủa lớn. Trước đây, cơ sở của ông hợp tác với một doanh nghiệp để xuất khẩu mủa khô đi nước ngoài và một phần tiêu thụ trong nước với sản lượng hàng chục tấn mủa khô mỗi tháng. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn, doanh nghiệp ngừng không mua hàng nhưng ông vẫn thu mua mủa của người dân để sấy khô. "Mặc dù không tiêu thụ được nhưng tôi vẫn thu mua của người dân về sấy khô cất vào kho, đợi đến khi thuận lợi, thị trường trở lại bình thường sẽ tiêu thụ", ông Ngân nói. Để lưu giữ được mủa khô, ngoài việc phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, ông Ngân còn chi phí thêm tiền điện chạy điều hòa để giữ mủa bảo đảm chất lượng.

Phường Hiến Thành hiện có trên 60 ha trồng mủa và có 6 cơ sở thu mua, sơ chế mủa khô để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Theo ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, ngay khi dịch bệnh xảy ra, địa phương chỉ đạo người dân tìm biện pháp chăm sóc làm sao kéo dài thời gian sinh trưởng, hạn chế thu hoạch vào cùng một thời điểm; khuyến khích các cơ sở thu mua mủa cho người dân, sấy khô, cất trữ vào kho chờ đợi thời điểm thích hợp sẽ tiêu thụ. Với những người dân không muốn bán vì giá rẻ thì có thể thuê các lò sấy khô và mang về cất tại nhà.

"Với những biện pháp như vậy, việc sản xuất, kinh doanh mủa của người dân phường Hiến Thành không bị ảnh hưởng nhiều", ông Dung cho biết.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người trồng mủa ở Hiến Thành vượt khó