Người trồng chuối Thanh Hà lao đao

06/09/2015 09:33

Việc tiêu thụ chuối rất khó khăn, giá thấp đã khiến nông dân trồng chuối ở Thanh Hà lao đao...



Do ít có người thu mua như những năm trước nên nhiều người dân phải tự tìm đầu mối để tiêu thụ chuối


Nhiều năm nay, cây chuối đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân ở các xã Phượng Hoàng, Thanh Khê, Thanh Sơn (Thanh Hà). Tuy nhiên năm nay, việc tiêu thụ chuối rất khó khăn, giá thấp đã khiến nông dân lao đao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn Xuân An (xã Thanh Khê) trồng hàng trăm gốc chuối tây, chuối lùn đang đến thời kỳ thu hoạch. Bà Hằng cho biết: Mọi năm, tiểu thương từ các nơi nườm nượp về tận vườn đặt cọc tiền rồi đợi đến ngày mang chuối đi, nhưng năm nay, dù đến lúc thu hoạch mà vẫn chưa thấy người mua. Mấy ngày nay, bà phải đi khắp nơi, thậm chí lên tận thị trấn để tìm người mua nhưng cũng chỉ có duy nhất một cơ sở thu mua với giá bèo bọt 15.000 đồng/buồng chuối lùn và từ 30.000 - 50.000 đồng/buồng chuối tây. Năm ngoái, bà Hằng bán từ 100.000-150.000 đồng/buồng chuối lùn, từ 250.000 - 300.000 đồng/buồng chuối tây. Tiếc công, tiếc của, bà không nỡ bán, cố đợi vài ngày xem giá có khá hơn không. Tuy nhiên, do trời nắng kéo dài nên chuối nhanh chín, bà đành mang ra chợ bán lẻ nhưng cũng không bán được, lại phải mang về cho lợn, gà ăn.

Cũng giống như bà Hằng, gia đình anh Nguyễn Danh Bình ở thôn Phượng Đầu (xã Phượng Hoàng) cũng đứng ngồi không yên vì chuối xuống giá. Anh Bình than thở: “Cây chuối phải từ 9 - 12 tháng mới cho quả, để có được một buồng chuối cũng không phải dễ. Chúng tôi phải rất cẩn thận từ khâu chọn giống. Cây chuối giống thường không bền, nhanh thoái hóa nên phải trồng mới liên tục, ít sử dụng cây con từ cây mẹ như trước kia. Cộng các khoản tiền mua giống, cọc để chống đỡ cho cây, tiền công làm cỏ, phát lá, bón phân cũng ngót nghét 100.000 đồng/cây, vậy mà một buồng chuối bán ra chưa đầy 50.000 đồng. Năm ngoái, với 2 mẫu chuối tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng, nhưng tình hình như hiện nay, tôi chỉ mong có thể hòa vốn”.

Đã nhiều năm qua, cây chuối trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân tại xã Phượng Hoàng thoát nghèo, thậm chí là có của ăn, của để. Nhưng giờ đây, trên mảnh đất bãi bạt ngàn, chuối chín rũ rượi cũng chỉ để làm thức ăn cho chim trời. Nói về loại cây đã gắn bó với mình từ lâu, anh Bình không khỏi lo lắng: "Nông dân chúng tôi chỉ biết chăm chỉ làm lụng, còn có được miếng cơm hay không lại phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là đầu ra. Từ ngày trồng chuối, chưa bao giờ tôi thấy giá chuối xuống thấp thế này. Nhiều gia đình đã có ý định bỏ chuối, tìm cây khác thay thế".

Vì ít người thu mua chuối nên bất đắc dĩ anh Nguyễn Văn Khoái ở thôn An Lão (xã Thanh Khê) từ người trồng đã chuyển sang buôn chuối. Nhà anh có gần 1.000 gốc chuối các loại. Vụ trước, đến mùa thu hoạch, thương lái tranh nhau đến nhà để đặt cọc, nhiều điểm cân chuối hối hả người ra, người vào, thương lái đánh cả xe ô tô về các điểm chở chuối đi. Bây giờ thì ngược lại, "bói" mãi cũng không ra một điểm thu mua. Nhiều gia đình phó mặc, nhưng anh Khoái vẫn đau đáu không yên vì đó là miếng cơm manh áo của cả nhà. Sau nhiều lần trăn trở, anh quyết định tự mang chuối ra Quảng Ninh bán. "Mặc dù tính chi phí, lời lãi không được là bao, nhưng tôi đã cố gắng hết sức để tiêu thụ", anh Khoái cho biết.

Năm nay là một vụ chuối buồn của bà con Thanh Hà. Dù đã được tính toán kỹ để thu hoạch đúng thời điểm, nhưng chuối tiêu thụ chậm và giá rất rẻ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và trận mưa kéo dài, nhiều diện tích chuối bị chết hoặc táp lá cũng không cho thu hoạch. Nhiều người đang suy tính xem có nên tiếp tục trồng chuối nữa hay không khi chưa nhìn thấy đầu ra ổn định cho loại cây này.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người trồng chuối Thanh Hà lao đao