Mỗi năm, trang trại trồng cam của anh Nguyễn Văn Hoàn ở xã Lê Lợi (Chí Linh) cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Vườn cam 5 ha của anh Hoàn
Nông dân với tư duy nhà khoa học
Không giống đa phần những gia đình trồng cam tự phát ở địa phương, vườn cam 5 ha của anh Hoàn là kết quả của quá trình nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn với áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác.
Vườn cam của anh Hoàn trồng hai giống cam chủ yếu là cam canh và cam Vinh. Đây cũng là sự tính toán của anh Hoàn. “Nếu chỉ trồng 1 loại cam trên diện tích lớn thì sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ khi cam vào chính vụ. Hai giống cam trên có thời gian thu hoạch lệch nhau vài tháng, bảo đảm cho vườn cam lúc nào cũng có quả để bán”, anh Hoàn chia sẻ.
Theo anh Hoàn, cây cam canh và cam Vinh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Cam được phần lớn người dân ưa thích và cũng có thể xuất khẩu. Ngoài ra, Chí Linh nằm ở vị trí giao thông thuận lợi để đưa sản phẩm đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lân cận.
Năm 2014, anh Hoàn đưa giống cây cam canh, cam Vinh trồng trên đất Chí Linh thay cho diện tích trồng vải kém hiệu quả. Suốt 3 năm đầu, mặc dù bỏ ra nhiều công sức, tiền của nhưng vườn cam chưa đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, nắm bắt được đặc tính của cây cam, anh Hoàn vẫn kiên định với kế hoạch đầu tư dài hơi của mình.“Cây cam không phải là giống cây trồng đem lại hiểu quả kinh tế tức thì. Do đó, tôi vừa làm vừa học hỏi thực tiễn từ một số người trồng cam ở địa phương khác kết hợp với đọc sách”, anh Hoàn chia sẻ.
Để nâng cao giá trị cây cam, anh Hoàn áp dụng khoa học vào sản xuất. Vườn cam 5 ha của gia đình anh được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.Từ chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi chép tỉ mỷ. Anh sử dụng các loại bẫy bả sinh học để diệt trừ sâu bệnh. Khi cần thiết, anh chỉ sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép.
Cây cam được anh Hoàn chăm bón chủ yếu bằng phân hữu cơ như phân gà, phân gia súc ủ hoai mục. Hệ thống tưới nước tự động, đường vào được cải tạo có thể cho xe tải đến tận vườn thu mua.
“Quả ngọt” từ giọt mồ hôi
Vụ vừa qua, vườn cam của anh Hoàn cho sản lượng gần 40 tấn quả.Với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, anh thu được gần 1 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí, anh còn lãi 500 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng vải trước đó. “Năm nay, tán cây cam to hơn, hoa rất sai. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất có thể đạt 70 tấn quả”, anh Hoàn tự tin.
Sử dụng kĩ thuật cắt cỏ bằng máy thay vì dùng thuốc diệt cỏ
Thời gian tới, anh Hoàn tiếp tục tìm tòi và áp dụng thêm những kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng và sản lượng quả của trang trại cam.Anh cũng lên kế hoạch về dự án kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái để quảng bá cho cây cam ở Chí Linh.
Một trong những tâm nguyện lớn nhất của anh Hoàn là tạo ra được sản phẩm nông nghiệp thật sự chất lượng trên chính mảnh đất quê hương thân yêu của mình.
NGỌC THÚY