Người Tòng Hóa nuôi cá bằng nước giếng khoan

07/02/2018 08:07

Nhiều hộ nuôi thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) buộc phải khoan giếng, lấy nước ngầm vào ao nuôi cá do sông Cửu An thường xuyên ô nhiễm.


Người dân thôn Tòng Hóa bơm nước giếng khoan vào ao cá

Khoan giếng lấy nước

Khu nuôi thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa được ví là "khu kinh tế trọng điểm" của xã Đoàn Kết. Năm 2005, xã chuyển 56,27 ha ruộng trũng sang nuôi thủy sản tập trung. Hằng năm, khu nuôi thủy sản tập trung cho sản lượng khoảng 750 tấn cá, doanh thu hơn 22 tỷ đồng. Từ hiệu quả kinh tế của vùng nuôi thủy sản, cuối năm 2017 xã tiếp tục chuyển thêm 31,5 ha đất lúa sang nuôi cá. Hiện khu nuôi thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa có 220 hộ, diện tích gần 88 ha.

Nước cho khu nuôi cá được cung cấp bởi hệ thống kênh cừ cùng 2 trạm bơm hoạt động liên tục. Vài năm trở lại đây, do nguồn nước sông Cửu An bị ô nhiễm, những hộ nuôi cá ở Tòng Hóa gặp khó khăn trong việc cấp nước, thay nước ao nuôi vào mùa khô (từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau). Để khắc phục khó khăn, hầu hết các hộ nuôi cá ở đây đều đào giếng khoan, chủ động nguồn nước ngầm cấp vào ao nuôi, không phụ thuộc nước sông.

Năm 2005, khi địa phương có kế hoạch chuyển đổi ruộng trũng thành vùng nuôi thủy sản tập trung, bà Vũ Thị Mài ở thôn Tòng Hóa đã tham gia. Gia đình bà hiện có 2 ao cá với tổng diện tích 2 mẫu. Những năm trước, gia đình bà vẫn lấy nước từ sông Cửu An cho ao cá, nhưng 1 năm nay bà không dám lấy nguồn nước này nữa. Bà Mài phải đầu tư hơn chục triệu đồng khoan giếng lắp đặt 2 máy bơm nước ở 2 ao cá để cấp nước cho ao nuôi.

Tương tự như hộ bà Mài, gia đình chị Nguyễn Thị Xuất nhận chuyển đổi 6 sào ao. Chị Xuất đầu tư hơn 4 triệu đồng lắp đặt máy bơm và khoan giếng để lấy nguồn nước ngầm thay thế cho nước sông ô nhiễm. Nhà chị không dám đào sâu vì sợ nhiễm nhiều kim loại. Giếng khoan lắp ống đường kính 90, có độ sâu 12 m giúp chị Xuất chủ động nguồn nước cấp nuôi cá.

Bảo đảm nước sạch nuôi cá

Tùy vào từng thời điểm mà việc cấp nước, thay nước của bà con trong khu nuôi thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa khác nhau. Vào mùa mưa, nguồn nước sông dồi dào, không bị ô nhiễm, trạm bơm của địa phương lấy nước từ sông vào cừ. Vào mùa khô, nguồn nước khan hiếm, sông Cửu An ô nhiễm nặng, trạm bơm không lấy nước từ nguồn này. Đa số bà con trong thôn cấp nước vào ao nuôi theo cách sau: Khi tát ao, nước từ ao bơm ra cừ. Sau khi thu hoạch cá, lại bơm nước từ cừ trở lại ao. Nước này xử lý xong mới tiếp tục bơm nước giếng khoan. Tùy theo lượng nước đã có ở mỗi ao mà bơm nguồn nước ngầm hợp lý. Nguồn nước ngầm thường chứa kim loại, khi bơm vào ao, bà con phải phơi nắng, xử lý bằng vôi bột, phèn. Thời gian xử lý nước khoảng 1 tháng. Nhiều người phải đợi lâu hơn mới có thể thả lứa cá mới. Ngoài ra, bà con phải xử lý nước định kỳ hằng tháng. Mỗi lần như vậy chi phí khoảng 500.000 đồng/ao. Ông Đặng Xuân Quyện, Giám đốc HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết cho rằng: “Nếu tháo trực tiếp nước sông vào ao thì tiết kiệm được chi phí và thời gian xử lý nước mặt ao”. Do nước sông ô nhiễm nên nhiều hộ sử dụng hoàn toàn nguồn nước ngầm hoặc đợi nước mưa chứ không dùng nước sông.

Theo những người dân sinh sống ven sông, tình trạng ô nhiễm ở sông Cửu An có thể tái diễn bất cứ khi nào. Anh Nguyễn Văn Sáng ở thôn Tòng Hóa cho biết: “Tuần trước, nước sông đen xì, bốc mùi hôi thối. Trên mặt nước nổi lên lớp váng mỏng như dầu loang. Phải mất từ 3-5 hôm khúc sông này mới không đen đặc bốc mùi nữa”.

Dù gặp khó khăn trong việc cấp nước, thay nước cho ao cá nhưng những hộ nuôi cá Tòng Hóa chưa lần nào để xảy ra dịch bệnh khiến cá chết hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Mạnh có 1 mẫu ao thả các loại cá truyền thống như trắm, chép, mè, trôi… Ao cá nhà ông cho thu hoạch từ 9-10 tấn/năm. Ông là một trong số ít người vẫn lấy nước sông vào ao nuôi. Ông Mạnh cho biết: “Tôi thường chọn thời điểm thu hoạch cá khi nguồn nước dồi dào. Để có nước thả lứa mới, tôi phải tháo nước từ cừ vào ao rồi xử lý nước bằng clo, sau đó khử vi sinh mới thả cá”. Theo ông Mạnh, nguồn nước sông sẽ tốt hơn nguồn nước ngầm. Nhưng không phải lúc nào người nuôi cũng đợi tới mùa mưa, nước lên mới thu hoạch cá mà phải căn cứ vào tình hình thị trường.

Ông Phạm Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Thời gian qua, nước sông Cửu An bị ô nhiễm, xã đã chỉ đạo các hộ chủ động nguồn nước cấp cho ao nuôi, không để xảy ra dịch bệnh. Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho bà con. Từ ngày 5-10.1 vừa qua, sông Cửu An ô nhiễm nên xã phải lùi lịch đổ ải chậm lại so với các địa phương khác. Phương châm của xã là hạn chế tối đa ảnh hưởng của ô nhiễm tới sản xuất nông nghiệp của địa phương.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Tòng Hóa nuôi cá bằng nước giếng khoan