Người thương binh mẫu mực

25/07/2017 08:45

Một trưa hè tháng 7, chúng tôi về thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) tìm gặp thương binh nặng hạng 1/4 Dương Bá Việt.



Thương binh Dương Bá Việt (bên phải) dù đã nghỉ công tác nhưng vẫn thường xuyên đóng góp
những ý kiến tâm huyết với chi bộ để xây dựng quê hương

Thấy nhà có khách, ông mặc vội chiếc áo sơ mi dài tay để che đi vết lõm sâu hoắm ở khuỷu tay trái vì ngại những người lần đầu nhìn thấy sẽ không khỏi giật mình.

Năm 1970, ông Việt khi ấy 18 tuổi đang học lớp 9 Trường cấp 3 Nam Sách đã viết đơn xung phong vào bộ đội. Biết tin, người thân, thầy cô và bè bạn đều bất ngờ vì lúc ấy ông có tên trong danh sách dự kiến là đại diện của huyện Nam Sách dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Chí đã quyết không gì ngăn cản được, ông vẫn quyết tâm "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu".

Vào chiến trường ông trong biên chế Tiểu đoàn đặc công 406, Quân khu 5. Trong một trận đánh khốc liệt ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) vào cuối năm 1972, quân ta có 5 người mà phải chống lại cả một tiểu đoàn địch, ông đã bị thương nặng ở tay và đầu. Tháng 5.1975, ông được chuyển về Bệnh viện 108 để phẫu thuật. Thời điểm ấy đã có lúc các bác sĩ nhìn ông lắc đầu tuyệt vọng. Nhưng bằng nghị lực của người lính và sự may mắn, ông đã thoát chết. Mỗi lần đi giám định y khoa, ông đều ngỏ ý mong bác sĩ giảm mức thương tật để ông có cơ hội vào chiến trường tiếp tục chiến đấu hoặc thi vào trường đại học. Tuy nhiên, điều đó là không thể bởi sức khỏe của ông quá yếu. Không tuyệt vọng, những ngày về an dưỡng ở Đoàn an dưỡng thương binh nặng Quân khu Tả Ngạn, ông nỗ lực tự học rồi tốt nghiệp chương trình cấp 3.

Cũng trong năm 1975, ông giải ngũ về quê. Niềm vui khi đất nước thống nhất là động lực mạnh mẽ để ông vững vàng với phấn trắng, bảng đen làm thầy giáo dạy chương trình vừa học vừa làm và tham gia công tác Đoàn Thanh niên ở địa phương. Dù sức khỏe yếu nhưng những việc ông đảm nhận đều đạt kết quả tốt. Năm 1980, ông được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương "Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc".

Những năm sau này, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương với cương vị Bí thư chi bộ đội sản xuất của xã. Năm 1992, một bộ phận người dân không đồng thuận với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã Hợp Tiến vì cho rằng có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Lúc ấy ông là một trong số ít cán bộ địa phương được cấp trên tin tưởng. Và ông cũng không ngại lúc tình hình địa phương đang "nước sôi lửa bỏng" để đứng ra đảm nhận chức Bí thư Đảng ủy xã. Nỗ lực của ông đã góp phần dần tháo gỡ những khó khăn của địa phương. Hơn 1 năm sau, khi nhiều việc nổi cộm đã được giải quyết, ông xin nghỉ vì biết sức khỏe của mình có hạn.

Nghỉ công tác xã hội, ông lại dồn sức vào làm kinh tế. Gần nhà ông có những ruộng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả. Ông bàn với gia đình nhận đấu thầu khoảng 5.000 m2 để đào ao thả cá. Ông tận dụng bờ ao, lập vồng trồng nhãn linh chi. Nguồn thu nhập từ mô hình kinh tế cá - nhãn trong suốt 20 năm qua đủ để ông nuôi 2 người con học đại học và có "của ăn của để".

Năm 2012, ông và một số đồng đội thành lập cơ sở sản xuất, tái chế nhựa và phế liệu. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho gần 30 lao động, chủ yếu là người khuyết tật, bộ đội phục viên, con em gia đình chính sách với mức thu nhập ổn định. Mấy năm nay, ngoài làm ăn kinh tế, ông còn làm Trưởng ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật huyện Nam Sách.

Ông Phạm Viết Soạn, Bí thư Chi bộ thôn La Đôi nhận xét: "Gia đình ông Việt là một gia đình mẫu mực, trên thuận dưới hòa. Các con ông đều tự lập và đang làm việc trong các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Ba người con đều noi gương cha mẹ là đảng viên gương mẫu".

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thương binh mẫu mực