Người thương binh làm theo lời Bác

21/09/2014 15:04

Cũng phải năm lần bảy lượt hẹn hò, tôi mới gặp được ông Phùng Tiến Chiến tại nhà riêng (số 18, phố Trương Mỹ, TP Hải Dương).

Người lái xe cho ông Chiến nói như thanh minh: "Chú Chiến bận lắm. Hết công trình này gọi đến công việc kia xin ý kiến chỉ đạo. Chả mấy khi có mặt ở văn phòng". Suốt ngày rong ruổi với những công trình khiến tôi nghĩ đến một ông Chiến khỏe mạnh. Gặp nhau mới biết mình đã nhầm. Ông Chiến là thương binh hạng 2/4, trên người còn mang nhiều thương tật.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mặc dù đang theo học năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông vẫn tình nguyện tham gia quân đội với ý nghĩ cháy bỏng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1975, trong chiến dịch Buôn Ma Thuột, trên đường truy kích, không may ông bị thương rất nặng. Một trái đạn pháo của địch nổ gần, ông bị vỡ 2 đốt sống lưng, gãy 3 dẻ xương sườn, chấn thương sọ não, khắp tay chân mình mẩy đều dính mảnh đạn. Hơn một tuần hôn mê tại trạm xá Trung đoàn 757, Sư đoàn 773, anh em đồng đội không hy vọng ông qua khỏi. Chính vào lúc đó ông tỉnh lại. Sau này ông tâm sự: "Tôi sống lại có thể do sức khỏe đang trai, có thể do niềm tin, niềm khát vọng được sống, cũng có thể do tất cả". Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang thì nỗi buồn ập đến khi ông được bác sĩ thông báo tình trạng vết thương. Chẳng lẽ phần đời dài còn lại cứ phải dính vào chiếc giường sao? "Ngày ấy tôi buồn lắm, không đêm nào trọn giấc" - ông Chiến nói - "Chả giấu gì ông, tôi nghĩ đến cái chết. Sống mà như kẻ sống thừa, khoác gánh nặng lên người khác thì sống làm gì". Trong lúc bi quan nhất ông nhớ tới lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế". Ông hiểu muốn không "phế" ít nhất phải đứng vững trên đôi chân của mình. Ý nghĩ ấy luôn thôi thúc ông suốt những năm tháng chiến đấu với thương tật. Những cú ngã dập mày dập mặt, những bước chân tập đi nhói buốt tận óc không làm ông chùn bước. Cuối cùng, sau 3 năm, nghị lực phi thường của người đảng viên trẻ đã giúp ông đứng lên bằng chính đôi chân của mình, trước sự ngỡ ngàng của nhiều bác sĩ. Nói thì đơn giản, nhẹ nhàng vậy thôi chứ có lúc cũng nản chí, bi quan. Con người chứ có phải gỗ đá đâu. Mỗi lần như vậy, ông phải dặn lòng bằng lời dạy của Bác Hồ. Ông thường nói: "Tôi còn nợ nhiều lắm. Nợ xã hội, nợ cha mẹ, nợ đồng đội".

Dần rồi vết thương cũng phải liền miệng, ông trở về trường đại học tiếp tục hoàn thành chương trình. Học xong, ông về Nhà máy cơ khí tỉnh Hải Dương công tác. Ban đầu ông là tổ phó sản xuất, sau đó lên tổ trưởng, rồi trưởng phòng, Bí thư Đoàn nhà máy. Năm 1986, nhà máy sáp nhập với Xí nghiệp cơ điện Hải Dương với cái tên mới là Nhà máy chế tạo thiết bị Hải Dương. Ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc. Cứ nghĩ thế là yên ổn làm ăn, nào ngờ vài năm sau, năm 2011 doanh nghiệp lại một lần nữa sáp nhập vào Công ty Lắp máy 69-3. Nhà máy chế tạo thiết bị trở thành một công ty "con", ông vẫn giữ cương vị Phó Giám đốc. Dù ở bất cứ cương vị nào, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên, đồng nghiệp tín nhiệm, yêu mến. Và năm nào ông cũng được bình bầu là lao động tiên tiến xuất sắc. Nhiều khi vết thương cũ tái phát khiến ông đau đớn cả tuần, nhưng khi cơn đau tạm lui, ông lại lao vào công việc nhiều hơn. Ông nói vui: "Phải chung sống hòa bình với thương tật thôi". Năm 2003, do sức khỏe  không bảo đảm, Tổng công ty sắp xếp cho ông nghỉ hưu.

Trở lại đời thường, ban đầu ông vui lắm. Nhưng rồi 1 tuần, nửa tháng ông bắt đầu thấy buồn chân buồn tay. Bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" không cho phép ông nghỉ ngơi. Ông nghĩ: "Phải làm gì chứ cứ sống thế này quá phí hoài. Phí hoài kiến thức đã học, phí hoài kinh nghiệm lao động". Sau mấy đêm trăn trở suy nghĩ, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Cơ khí điện Hải Dương. Nhiệm vụ chính của công ty là thiết kế, chế tạo thiết bị phụ tùng máy bơm nước và nâng cấp các trạm bơm. Tiền vốn không có, ông chạy vạy vay mượn của bạn bè, anh em nội, ngoại. Thoát được tiền vốn lại gặp phải vấn đề về nhân công. Đã gọi là thiết kế chế tạo nghĩa là đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về công việc, có tay nghề giỏi. Ngược xuôi tìm kiếm rồi ông cũng tìm được bộ khung lý tưởng cho công ty của mình. "Vạn sự khởi đầu nan", ban đầu công ty chỉ có chừng chục người, vừa nhân viên văn phòng vừa thợ, máy móc sơ sài, công việc bập bõm. Có người nản chí đã bỏ đi tìm nơi làm mới. Nhiều lúc vì thiếu thợ, ông phải trực tiếp đứng máy. Ông động viên người còn lại: "Hãy kiên trì. Hãy lấy chất lượng thay cho lời quảng cáo". Mọi người tin ông. Chính nghị lực của ông đã là một tấm gương sáng. Còn ông lại lấy những lời Bác Hồ dạy làm phương châm sống của mình. Dần dà, nhiều đơn vị trong Nam, ngoài Bắc tìm đến ký hợp đồng. Không việc nào ông từ chối, dù khó, dù xa đến mấy. "Bây giờ thì khác rồi, hơn chục năm còn gì - ông Chiến nói không giấu niềm tự hào - Công ty hiện có gần 40 người làm việc liên tục, nếu vào thời vụ sẽ đông hơn. Mình còn sống thế này là phải nhớ ơn và tri ân những người đã ngã xuống. Vì thế hầu hết công nhân là anh em cựu chiến binh hoặc con em gia đình chính sách. Dĩ nhiên khó khăn, họ chưa biết nghề. Phải dạy nghề bằng cách cầm tay chỉ việc. Người thạo việc dạy người chưa biết. Nhiều khi tôi có cảm giác đây là trường dạy nghề". Nói xong ông cười. Có lẽ vì thế mà công ty của ông tập hợp được nhiều tay thợ giỏi. Mọi người đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm công ty nộp ngân sách nhà nước trên 500 triệu đồng.

Với nghị lực chiến thắng thương tật và thành tích trong lao động sản xuất, Tết Nhâm Thìn, một vinh dự lớn đến với ông là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Hải Dương đã đến chúc Tết, tặng quà. Bà chúc ông cùng gia đình mạnh khỏe, sản xuất tốt, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Người lính già có 47 năm tuổi Đảng, gần 10 năm tuổi quân, cười rất tươi khi được hỏi về dự định sắp tới: "Không biết thế nào mà tính trước, tôi đã 68 tuổi rồi. Chỉ biết cuộc sống là sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Mong lớp con em bây giờ chịu khó học tập, lao động sao cho xứng đáng với truyền thống của cha anh".

NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thương binh làm theo lời Bác