Dù mang trong mình thương tật tỷ lệ 61%, lại được hưởng chế độ chất độc hóa học tỷ lệ 41% nhưng ông Lê Thái Tạc, sinh năm 1953, ở thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) vẫn vươn lên trở thành tấm gương phát triển kinh tế tiêu biểu ở địa phương.
Thương binh Lê Thái Tạc ở thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) là tấm gương phát triển kinh tế tiêu biểu của địa phương
Năm 1970, ông Tạc đi bộ đội, được điều động vào Quân khu 5. Năm 1972, ông bị thương trong một trận đánh ở Kon Tum. Năm 1974, ông được đưa ra Bắc và năm 1979 thì xuất ngũ. Sau khi về địa phương, do kinh tế khó khăn nên ông đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề sinh sống. Năm 2010, sau nhiều năm lăn lộn nơi đất khách quê người, ông quyết định về quê lập nghiệp. Mặc dù quê gốc ở xã Ninh Hải (Ninh Giang) nhưng do vợ ông Tạc quê ở xã Phạm Trấn nên 2 ông bà đã quyết định lấy hết vốn liếng mua lại 2 ha trang trại tại đây để chăn nuôi, thả cá.
Ông Tạc kể khi đó trang trại đã có ao cá nhưng chưa có bờ, chưa có nhà trông coi. Hai ông bà đã không quản ngại vất vả, thuê người xây bờ ao bằng gạch, chuồng nuôi lợn được kiến thiết lại. Do chưa có kinh nghiệm nên để chăn nuôi thành công, ông Tạc đã tích cực đọc sách, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, những người đi trước. Thời gian đầu, ông Tạc nuôi cả lợn, gà và cá. Có thời điểm gia đình nuôi 500-600 con gà thịt, 3 con lợn nái và 40 con lợn thịt, 1,8 mẫu ao. Tuy nhiên, gần đây sức khỏe của 2 ông bà giảm sút, lại bận trông 4 cháu nhỏ nên ông bà chỉ tập trung vào nuôi cá.
So với những người nuôi cá ở địa phương, ông Tạc cũng có cách làm riêng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thay vì nuôi cá bằng cám công nghiệp, ông kết hợp giữa nuôi công nghiệp và truyền thống. Ông Tạc cho biết mỗi ngày chỉ cho cá ăn 2 thùng cám công nghiệp, còn lại ông bà thu nhặt cây ngô, cắt cỏ cho cá ăn. Trong cây ngô có nhiều chất dinh dưỡng nên cá lớn rất nhanh, ít bệnh tật và tiết kiệm được tiền cám khá nhiều. Nếu theo phương thức công nghiệp thì mỗi ngày cá ăn hết hơn 2 bao cám, tương đương 900.000 đồng và bị nhiều bệnh hơn, khó chữa trị vì trong nước đã bị nhiễm khuẩn. Để có cây ngô, ông kết nối với những người trồng ngô trong và ngoài huyện, nhà ai thu hoạch xong sẽ đến chặt cây vừa để lấy thức ăn cho cá vừa dọn ruộng cho họ. Ông bà còn tích cực trồng cỏ ở những ruộng bỏ hoang, ven đường. “Cho cá ăn nhiều rau cỏ không chỉ tiết kiệm hơn mà cá lớn rất nhanh, thịt chắc, thơm ngon hơn”, ông Tạc cho biết.
Mỗi năm, gia đình ông Tạc thu hoạch cá 2 lần, mỗi lần bán được khoảng 200 triệu đồng, thu lãi 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn buôn bán cá giống để tăng thêm thu nhập. Ông thường lấy cá giống của một số cơ sở sản xuất giống và giao lại cho người chăn nuôi với số lượng khoảng 20 vạn con/năm.
Ông Nguyễn Xuân Thơ, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết ngoài làm kinh tế giỏi, ông Tạc còn sống hòa nhã với làng xóm, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, nuôi con thành đạt. Huyện Gia Lộc đang đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho ông Lê Thái Tạc là tấm gương tiêu biểu trong làm kinh tế nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ sắp tới.
THANH HÀ